Âm nhạc là món ăn tinh thần quý giá của nhân loại và nhạc khí chính là những công cụ thiết yếu để “chế biến” nên những món ăn đặc biệt đó. Với niên đại hàng trăm tuổi, những nhạc cụ này không chỉ gây ấn tượng ở phần âm thanh mà còn mang giá trị lớn về mặt lịch sử. Antonio Stradivari là cái tên không thể không nhắc đến trong lĩnh vực này. Ông là một nghệ nhân sản xuất nhạc cụ người Ý, chuyên về các nhạc khí bộ dây. Thật không mấy ngạc nhiên khi 3 trong tổng số 5 nhạc cụ trong danh sách này được cho ra đời dưới bàn tay của huyền thoại Stradivari. Hãy cùng Robb Report điểm qua những nhạc cụ lâu đời có giá trị nhất trên thế giới!
1. Steinway Piano Z
2,08 triệu đô
Chiếc piano này trông không có gì đặc biệt, thậm chí là khá bình thường, nhưng điểm nổi bật của cây đàn không nằm ở vẻ bề ngoài mà là ở giá trị lịch sử. Đây là cây piano thuộc quyền sở hữu của John Lennon và Yoko Ono. Chiếc đàn từng được cựu thành viên nhóm Beatles dùng để sáng tác ca khúc “Imagine”. Cây piano Steinway Z lên sàn đấu giá vào năm 2009 và đã nhanh chóng được George Michael – một tên tuổi lớn khác trong làn âm nhạc mua lại. Nhưng thay vì giữ cho riêng mình, Michael trao chiếc đàn cho bảo tàng Beatles Story ở Liverpool, nơi từng trưng bày Steinway Z mười năm về trước. Việc này làm hao phí rất nhiều tiền của nhưng với George Michael điều đó xứng đáng cho chiếc đàn piano vô giá này.
2. Kreutzer Violon
10 triệu đô
Nghệ nhân Stradivari được ước tính đã sản xuất trên 1.100 cụ trong suốt cuộc đời của ông. Khoảng 650 nhạc cụ còn sót lại (đại đa số là violon) được gọi bằng cái tên Stradivarius. Các nhạc cụ còn sót lại thường sẽ được đặt theo tên của người chủ sở hữu nổi tiếng. Trong năm 1731, chiếc đàn thuộc về nghệ sĩ violon người Pháp Rodolphe Kreutzer ở thế kỷ 17. Cây violon Kreutzer được ra giá 10 triệu đô bởi nhà đấu giá Christie vào năm 2014 nhưng tiếc thay vẫn chưa tìm được người sở hữu
3. Lady Blunt Violon
15.9 triệu đô
Chiếc đàn violon Lady Blunt được sản xuất năm 1721 này được đặt theo tên của Anne Blunt, là con gái của Ada Lovelace và cháu gái của Lord Byron. Chiếc đàn được xem là một trong hai cây đàn Stradivarius còn sót lại được bảo quản tốt nhất, trong trạng thái gần như hoàn hảo, có lẽ một phần vì là do cây đàn được bảo quản bởi các nhà sưu tập và ít khi mang ra sử dụng. Chiếc đàn violon thứ hai là Messiah Stradivarius sản xuất vào năm 1716. Chiếc đàn này chưa bao giờ được bán ra mà luôn nằm trong phòng trưng bày của Bảo tàng Ashmolean (Oxford). Chiếc đàn violon Lady Blunt giữ danh hiệu nhạc cụ đắt nhất từng được bán đấu giá hai lần, lần đầu tiên vào năm 1971 bởi Yehudi Menuhin với giá 200.000 đô (kỷ lục thời bấy giờ). Sau đó một lần nữa vào năm 2011 với giá 15.900.000 đô bởi Tarisio. Số tiền được quyên vào Quỹ Nippon thuộc quỹ cứu trợ sóng thần, động đất Đông Bắc Nhật Bản.
4. Vieuxtemps Guarneri
16 triệu đô
Lady Blunt là nhạc cụ giữ danh hiệu nhạc cụ đắt nhất từng được chào bán. Tuy nhiên, chiếc violon được mua bán cá nhân vào năm 2012 đã tạo ra sự thay đổi trong danh sách này. Một khách hàng giấu tên đã mua cây đàn violon Vieuxtemps Guarneri với giá cao hơn cả cây Blunt Lady. Nhân vật bí ẩn đã trao tặng cây đàn cho nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ Anne Akiko Meyers. Kỷ lục không chính thức này đã tạo nên sự tò mò khi Giuseppe Guarneri là đối thủ Antonio Stradivari thời bấy giờ và đã dẫn đến những cuộc tranh cãi quyết liệt nhằm phân cao thấp trong sản phẩm của hai nghệ nhân làm đàn người Ý. Không lâu sau đó lại xuất hiện thêm 200 sản phẩm còn sót lại của Guarneri với tên gọi là Del Gesùs và tất cả đều rất có giá trị. Vì vậy, sự cạnh tranh giữa sản phẩm của Stradivari và Guarneri diễn ra ngày càng khốc liệt.
5. Macdonald Viola
45 triệu đô
Lạ lùng thay, nhạc cụ có giá trị nhất trong danh sách này không phải là một cây violon mà là họ hàng của chúng – viola. Chiếc đàn viola Macdonald của Antonio Stradivari được chế tác năm 1719 (được đặt theo tên của người chủ nhân thứ ba: Baron Macdonald, Godfrey Bosville, người đã mua nó trong những năm 1820) trong giai đoạn “vàng” của Stradivari (1700-1720). Chiếc đàn Macdonald là một trong 10 cây viola còn sót lại của Stradivarius. Sự quý hiếm càng làm nổi bật thêm giá trị của nó. Từng thuộc sở hữu của hầu tước Dalla Rosa, Parma, nhạc cụ này đã từng đến tay của các nghệ sĩ tuyệt vời như Peter Schidlof, nghệ sĩ violon thuộc Amadeus Quartet. Giá trị ước tính của nó được xác định tại buổi đấu giá của Sotheby vào năm 2014 là khoảng 45 triệu đô.Tuy không bán ra nhưng giá trị của cây đàn viola Macdonald là không thể bàn cãi.