Ngày 9/6 vừa qua, một băng trộm đã đột nhập vào cửa hiệu Bulgari trên phố Via dei Condotti – một trong những khu phố mua sắm sầm uất nhất ở thành Rome, nơi quy tụ của vô số cửa hiệu cao cấp. Khi cảnh sát đến hiện trường, nhóm cướp đã cao chạy xa bay, cuỗm đi những món trang sức trị giá lên đến 500.000 Euro. Trong khi cuộc điều tra đang được triển khai thì công chúng vẫn không ngừng bàn tán. Nhiều tờ báo còn ví von và so sách vụ việc với những bộ phim bom tấn như series Ocean’s hay James Bond.
Mặc dù là một tội danh hình sự, những vụ trộm trang sức ở quy mô lớn thường khơi gợi sự hiếu kỳ. Các nhà đạo diễn điện ảnh cũng thường xuyên lấy ý tưởng từ những vụ việc này để dựng nên cốt truyện hành động, phiêu lưu hoặc trinh thám.
Vậy điều gì khiến chúng ta quan tâm đến những vụ trộm trang sức như vậy? Vì lý do gì mà hành động phạm pháp này lại khơi gợi trí tưởng tượng?
Một yếu tố có thể giải thích cho sự hứng thú với những vụ án này là vì tính tinh vi. Những phi vụ trộm trang sức quy mô nhất của thế kỷ 21 thường được định hình bởi cách thức thực hiện có tổ chức, với những kế hoạch khôn ngoan, thu lợi lớn mà không gây thiệt hại về người. Vào tháng 2 năm 2003, nhiều viên đá quý có tổng giá trị gần 100 triệu USD đã biến mất khỏi Trung tâm kim cương thế giới Antwerp. Băng cướp đã dành nhiều tháng đóng giả làm thương nhân trao đổi đá quý để nghiên cứu hiện trường và tiếp cận két lưu giữ. Tháng 5/2013, tại Liên hoan phim quốc tế Cannes, những món trang sức được Chopard chuẩn bị sẵn cho các minh tinh màn ảnh bỗng dưng “không cánh mà bay” ra khỏi khách sạn Suite Novotel.
Và trong vụ án Bulgari lần này, để tiếp cận cửa hiệu đang đóng, băng cướp đã mò xuống dưới cống ngầm của thành Rome. Chúng đột nhập bằng cách khoan từ vị trí bên dưới cửa hàng lên sàn bên trong tiệm, ngắt các thiết bị an ninh, và bắt đầu đánh cắp trang sức và đồng hồ. Mặc dù hệ thống báo động của Bulgari đã kết nối với cảnh sát ngay khi những món đồ bị tháo khỏi kệ trưng bày, đến lúc đội cảnh sát phá được cửa thì băng cướp đã tẩu thoát và mất hút trong những đường cống ngầm chằng chịt như tơ nhện có từ thời La Mã. Không phải là một vụ án cướp giật bạo lực, mà đây là một vụ trộm tài tình bởi kẻ chủ mưu vận dụng nhiều kiến thức về văn hóa và môi trường xung quanh, khiến dư luận phải kinh ngạc.
Mặt khác, một phần sự quan tâm của công chúng có lẽ do bất cứ ai trong chúng ta cũng đều hiểu được sức quyến rũ của những viên đá quý. Được tạo tác với đường cắt tinh xảo, nghệ thuật sắp xếp tỉ mỉ để tối đa hóa độ phản quang lộng lẫy, những món trang sức luôn khơi gợi mong muốn sở hữu mãnh liệt từ sâu thẳm trong thâm tâm mỗi người. Từ thời cổ đại, tầng lớp vua chúa đã đeo trang sức như biểu tượng của quyền uy. Đến nay, trang sức vẫn được sử dụng để khẳng định sắc đẹp hay vị thế cá nhân. Chúng tượng trưng cho những điều quý giá và khát khao của con người. Khi nhìn vào những viên đá lấp lánh, ta như đang đối mặt với tham vọng của chính bản thân, và bất giác muốn chạm tới giấc mơ ấy. Vậy nên, các tuyệt tác trang sức của những thương hiệu xa xỉ không chỉ là món đồ trong mơ của giới mộ điệu, mà còn là đích ngắm của đám đạo chích.
Một số thương hiệu cao cấp cũng sẵn sàng hợp tác với giới làm phim để xây dựng những bộ phim lấy cốt truyện xoay quanh các vụ trộm cắp trang sức.
Một trong những ví dụ gần đây nhất là bộ phim Ocean’s 8 về một băng cướp quý cô với mục tiêu chính là chiếc vòng cổ Jeanne Toussaint của Cartier. Trong phim, Cartier đã cho nữ diễn viên Daphne Kluger (Anne Hathaway thủ vai) mượn chiếc vòng để tới dự MET Gala. Cùng lúc đó, nữ tướng cướp Debbie Ocean (Sandra Bullock) cùng băng nhóm của cô trà trộn vào bữa tiệc sang trọng với tư cách khách mời, nhân viên phục vụ, đầu bếp, … và nhẹ nhàng cuỗm Toussaint đi mà không để lại dấu vết. Sự quyết tâm và cuộc phiêu lưu vui nhộn của băng cướp ấy đã lôi cuốn khán giả, và hẳn nhiên cũng khao khát chiếc vòng cổ lộng lẫy đó, hệt như các nữ đạo chích vậy.
Trong bộ phim Octopussy kinh điển, hẳn chúng ta còn nhớ James Bond khi được cử đi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Quả trứng Fabergé khỏi âm mưu trộm cắp. Vào tháng 3/2024, thương hiệu Fabergé đã cho ra mắt bộ sưu tập để tri ân series James Bond và kỷ niệm bộ phim Octopussy, bao gồm Quả trứng Egg Objet và dây chuyền Egg Surprise Locket. Với những đường chạm khắc tinh xảo và chú bạch tuộc vàng e ấp trong vỏ trứng, Fabergé nhắc lại cho cả thế giới về mỵ lực của những Quả trứng nạm đá quý – quyến rũ đến mức chàng điệp viên 007 cũng phải theo đuổi.
Những bộ phim như vậy góp phần quảng bá sức hút của trang sức cao cấp qua mâu thuẫn giữa các nhân vật, những âm mưu nham hiểm nhằm chiếm đoạt một chiếc vòng cổ, một quả trứng, hay một viên ngọc. So với những mưu kế tinh vi và tốn nhiều công sức, có lẽ việc chi tiền tỷ để sở hữu những món trang sức sẽ dễ dàng hơn.
Hoặc chí ít rằng, sau mỗi phi vụ ngoài đời thực, tên tuổi các thương hiệu lại được nhắc đến khắp nơi trên cả các tạp chí thời trang lẫn tin tức quốc tế. Phải chăng đây là cái giá đắt đỏ cho một lần xuất hiện trên trang nhất The Times?