Từ khi nào anh biết mình đã “phải lòng” âm nhạc?

 

Đó là buổi diễn đầu tiên khi tôi được chỉ huy dàn hợp xướng nữ ở học kỳ 1 năm dự bị đại học tại Nga. Cảm giác diệu kỳ, rung động đến nỗi tôi biết mình sẽ sống trọn với sân khấu kể từ giây phút ấy.

 

Nếu không theo âm nhạc, Trần Nhật Minh sẽ là…?

 

Thật khó nói. Chắc vẫn sẽ là một công việc liên quan đến nghệ thuật. Do đã làm nghề quá lâu nên khi nghĩ đến việc phải làm gì khác khiến tôi thấy lạ lẫm. Tôi yêu tất cả những gì liên quan đến nghệ thuật, từ hội họa, nhiếp ảnh, đến ba lê… và việc được thưởng thức, được sống trong tinh thần của những triển lãm, những buổi biểu diễn hay luôn khiến tôi xúc động vô cùng.

 

Một người nhạc trưởng giỏi theo anh cần hội tụ những yếu tố nào?

 

Ngoài sự hiểu biết về lịch sử âm nhạc và tính năng nhạc cụ, một nhạc trưởng giỏi tại Việt Nam phải có sự khéo léo, linh động, cùng với thái độ hòa nhã, khả năng kết nối và tương tác với nhạc công.

 

Trần Nhật Minh trong ba tính từ, đó sẽ là…?

 

(Đăm chiêu hồi lâu) Đến bây giờ tôi mới dám nhận mình sâu sắc dù trước kia từng làm những việc chưa thấu đáo. Sự sâu sắc này đến từ công việc, bởi âm nhạc cổ điển vốn dĩ luôn cần chiều sâu. Tôi còn khó tính và nổi loạn nhưng giờ bớt nhiều rồi (cười lớn).

 

Một cuốn sách anh tâm đắc nhất?

 

Những nốt nhạc tỉnh thức (Changing Lives) của Tricia Tunstall. Câu chuyện có thật về sức mạnh chuyển hóa phi thường của việc giáo dục âm nhạc tại quốc gia nghèo và đầy biến động như Venezuela. Tôi mong có thể lan tỏa tác phẩm này đến các cấp có thẩm quyền, từ đó chúng ta có thể hiện thực hóa, nhân rộng mô hình và tạo nên những tác động tích cực cho xã hội.

 

Người nhạc sỹ để lại ấn tượng mạnh mẽ trong anh là ai?

 

Có những nhạc sỹ tôi rất thích nhưng lại không có điều kiện để làm với dàn nhạc trong nước. Hoặc cũng có những tác giả mà tư duy của họ dài như một cuốn tiểu thuyết trong khi người châu Á nói chung hay Việt Nam nói riêng lại thích những gì trọn trịa, mượt mà, và ngắn gọn.

 

Cá nhân tôi rất thích các tác phẩm của Mahler Gustav, nhà soạn nhạc/nhạc trưởng người Đức ở thế kỷ 19. Tác phẩm của ông ấy miên man không thấy hồi kết, tuy nghe rất thú vị nhưng khi làm với dàn nhạc lại rất khó hay. Hoặc như những tác phẩm của Rachmaninoff, Tchaikovsky vốn mang tính đồ sộ, kĩ thuật cực kì cao sẽ chỉ phù hợp để mang tính tôi luyện hơn là biểu diễn phục vụ khán giả.

 

Công chúng liệu có thể trông đợi một bản giao hưởng của Trần Nhật Minh trong thời gian tới đây?

 

Đối với tôi, mỗi người sinh ra có một sứ mệnh và không thể phủ nhận có những người đủ khả năng để làm được cả 2 vai trò. Trong quá khứ chúng ta có Rachmaninoff, Tchaikovsky – những thiên tài theo tôi được Chúa trời giáng thế.

 

Bản thân tôi không nhìn thấy mình trong vai trò của một nhà soạn nhạc mà là người truyền tải, thổi hồn vào tác phẩm trên sân khấu.

 

“Nhạc cổ điển không cần phải đình đám như các thể loại khác, mà cần không gian riêng và khán giả thật sự có chiều sâu.”

 

Có điều gì về anh mà khán giả chưa được biết?

 

Tôi không giỏi làm việc với con số (cười), cả việc phải kiếm tiền hay câu view tôi cũng chẳng có khái niệm.

 

Phải chăng đó là lý do anh luôn “chạy trốn” truyền thông và mạng xã hội?

 

Dù sử dụng Facebook từ rất sớm nhưng tôi lại không đủ kiên nhẫn lẫn khả năng để “bơi” trong bể chứa thông tin này. Vậy nên, tôi dừng lại và cho rằng đây là quyết định rất đúng đắn cho tâm hồn mình. Đối với nhiều người, đây có thể là điều bất lợi khi người khác không biết nhiều về mình. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đến việc phải nổi tiếng. Dòng nhạc cổ điển không cần phải đình đám như những thể loại khác, mà cần không gian riêng và những khán giả thật sự có chiều sâu.

 

Ảnh: Pierre Semere

Truyền thông và mạng xã hội cũng có mặt tích cực để anh có thể mang âm nhạc cổ điển đến gần khán giả hơn chứ?

 

Đúng như bạn nói, đây là một phần thiếu sót nhưng tôi chưa khắc phục được. Không giống như những nghệ sỹ khác có ê-kip quản lý, tôi chỉ có một trợ lý để giúp mình sắp xếp công việc chứ chưa có hẳn một đội ngũ hoặc có lẽ do tôi chưa thật sự muốn.

 

Tôi cũng sợ mình chưa giỏi, nên muốn tập trung làm tốt công việc của mình. Có những ngày tôi thấy mình rất tài nhưng ngay hôm sau lại cảm giác vô dụng, như những phím piano trắng đen xen kẽ. Tôi cũng không hiểu nổi chính mình.

 

Nghe như đây là điểm chung của những người nghệ sỹ khi luôn hoài nghi, chất vấn chính mình. Anh làm thế nào để vượt qua những giây phút chơi vơi này?

 

Tôi sẽ đi phượt (cười lớn) hay đem xe Vespa ra bảo dưỡng. Đi phượt bằng xe phân khối lớn ngoài việc là sở thích còn cho tôi thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ và cũng là một cách thiền. Tôi thích cảm giác cầm lái, ngắm nhìn thiên nhiên và tận hưởng phong thái chiếc xe lướt đi trên đường dài.

 

Nói đến cảm giác hoài nghi chính mình, tôi cũng muốn chia sẻ thêm điều này. Khi xây dựng chương trình cho HBSO (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM), tôi băn khoăn về từng sự lựa chọn tác phẩm của mình. Liệu đã đúng, đã hợp, đã hay chưa? Trước khi gửi chương trình ra, tôi đã trăn trở. Sau khi chương trình kết thúc, tôi vẫn tự vấn chính mình và cũng không tránh khỏi việc bản thân thường xuyên thất vọng, chẳng hạn như thứ tự xuất hiện tác phẩm vốn có thể đã làm giảm hiệu ứng chương trình cũng khiến tôi băn khoăn rất nhiều.

 

Ngoài sự hoài nghi bản năng của người nghệ sỹ, có cảm giác anh quá cầu toàn phải không?

 

Tôi thường làm việc độc lập và không có trợ lý chuyên môn. Tất cả đều do tôi thích một mình và khá cực đoan khi không muốn nhiều người liên quan vào quá trình sáng tạo. Nhớ lại năm 2020, khi làm chương trình nhạc phim, tôi đã xem hàng trăm bộ phim và nghe tất cả những nghệ sỹ lẫn danh sách nhạc trên Spotify trong suốt 3 tháng để có thể chọn ra tuyển tập bài cho chương trình. Sau khi đã có được danh sách bài, tôi còn phải tính đến việc liệu có tổng phổ cho dàn nhạc không, các vấn đề bản quyền và rất nhiều chi tiết khác. Dù lao tâm khổ tứ là thế nhưng lại hào hứng vô cùng. Tôi rất vui vì bản thân đã làm được điều này.

 

Tuy nhiên, vẫn còn có điều khiến tôi nuối tiếc. Đó là việc chưa quản lý tốt về mặt truyền thông. Lẽ ra tôi phải có 1 người phụ trách hình ảnh và 1 quay phim để có thể theo sát từ quá trình diễn tập, sau đó tôi có thể xem lại tư liệu để rút kinh nghiệm hoặc dùng cho việc quảng bá. Hy vọng những chương trình sắp tới tôi có thể khắc phục được điều này.

 

Cuối cùng thì Trần Nhật Minh cũng đã chịu thay đổi sao?

 

Có lẽ đại dịch đã khiến tôi khác đi. Đó là lúc tôi có nhiều thời gian để xem và nghiên cứu rất nhiều điều hay và thú vị mà mọi người trên thế giới đang thực hiện. Nếu như họ không quay hình, không chia sẻ thông tin thì làm sao chúng ta có tài liệu để học hỏi và làm theo? Giờ đây, tôi cũng sẽ bắt đầu thực hiện và chia sẻ, biết đâu 5, 10 năm nữa có người khi xem cũng sẽ có động lực, tự tin để tiếp bước. Tôi biết tuy đã rất trễ nhưng thà trễ còn hơn không (cười).

 

 

Trong và sau đại dịch, thế giới âm nhạc cổ điển theo anh đang về đâu?

 

Đại dịch chính là 1 phép thử cho làng nhạc cổ điển trong nước. Cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đều phải linh hoạt và sáng tạo hơn trong hoạt động biểu diễn do chúng ta không thể mời các nghệ sỹ nước ngoài đến trong vòng ít nhất đến cuối năm nay. 

 

Nền âm nhạc cổ điển Việt Nam đã có những chuyển biến ra sao so với thời điểm anh mới trở về gần 15 năm trước?

 

Trái ngược với xu hướng thế giới, tỷ lệ các bạn trẻ quan tâm đến nhạc cổ điển tại Việt Nam lại có xu hướng ngày càng tăng cao. Ngoài ra, theo tôi quan sát từ các chương trình biểu diễn, số lượng và chất lượng khán giả ngày càng tốt hơn. Kế đó, hoạt động tổ chức biểu diễn ngày càng sôi động hơn với các chương trình mang ý tưởng mới lạ, như việc kết hợp dàn nhạc với nhạc điện tử EDM, hay đem dàn nhạc ra trình diễn trên đường phố.

 

Công chúng vẫn luôn tự hỏi các nghệ sỹ biểu diễn cổ điển tại Việt Nam liệu có đủ sống với nghề?

 

Theo quan điểm của tôi, bạn không thể giàu nếu đã xác định theo đuổi con đường nghệ thuật hàn lâm. Trên thực tế, các nghệ sỹ của chúng ta vẫn đam mê với nghề dù phải làm đến 2, 3 công việc khác nhau để trang trải cuộc sống như dạy học hay tham gia ban nhạc. Họ phải lao động và làm việc rất nhiều để dành ra được quỹ thời gian cho bản thân được sống trong âm nhạc, vốn dĩ là con đường mà họ đã chọn lựa.

 

Một nhà hát đúng nghĩa, đến bao giờ, thưa anh?

 

Quả là nghịch lý khi nhắc đến Sài Gòn, một thành phố hơn 13 triệu dân, nhưng lại không có nhà hát đúng nghĩa. Mọi người hay lầm tưởng Opera House chính là nhà hát nhưng đây chỉ là một địa điểm mà chúng tôi phải đăng ký lịch diễn trước một năm và phải chia sẻ không gian này với các đơn vị khác. Nơi đây cũng khá chật so với nhu cầu thực tế. Cá nhân tôi cũng lo sợ khi mình không còn đứng trên sân khấu nữa thì cũng là lúc nhà hát mới có thể ra đời.

 

Với âm nhạc, anh đang ấp ủ những dự định nào tới đây?

 

Sự nghiệp đời tôi sẽ luôn gắn với âm nhạc cổ điển. Bên cạnh đó, tôi còn muốn biểu diễn nhạc phim Việt Nam theo phong cách Hollywood, hòa nhạc Giáng sinh, Năm mới…tại Phố đi bộ với Saigon Pops Orchestra (SPO) do mình thành lập, hay đưa dàn nhạc ra giữa ruộng bậc thang để quảng bá du lịch. Ý tưởng rất nhiều và tôi chỉ mong sẽ có người đồng hành cùng mình để biến tất cả thành hiện thực.

 

Liệu sẽ có cú hích mới nào cho Saigon Pops Orchestra (SPO) sau 6 năm thành lập?

 

SPO đã gắn liền với chuỗi liveshow của Hà Anh Tuấn, sau này là Lệ Quyên và nhiều event lớn với các tác phẩm ngoại quốc. Tuy nhiên, đây là điều chưa làm tôi thỏa mãn. Tôi mong muốn SPO phải có chương trình riêng và những tác phẩm đặt hàng riêng, dù là những tác phẩm dễ nghe với khán giả nhưng phải đảm bảo đầy đủ chất lượng.

 

Tôi mong muốn đặt hàng các nhạc sỹ lớn có khả năng sáng tác cho dàn nhạc như Việt Anh, Đức Trí, Lê Thanh Tâm để có tác phẩm riêng cho SPO. Đây sẽ là một sản phẩm hợp tác giữa tôi và các nhạc sỹ, sau đó sẽ thực hiện bản phối với các chuyên gia. Song song đó, SPO cũng phải mở rộng thêm về nhân sự và đầy đủ hơn về số lượng nhạc cụ như dàn dây (bè cello, contrebass).

 

Xin cảm ơn anh!

 

Đôi nét về nhạc trưởng Trần Nhật Minh

Sinh năm 1981, Trần Nhật Minh tốt nghiệp Thạc sĩ tại Nhạc viện Tchaikovsky, Moscow chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng năm 2007. Năm 2012 anh hoàn thành khóa học chỉ huy tại Học viện Chỉ huy Dàn nhạc Quốc gia Italy.Trong sự nghiệp của mình, anh đã đạt giải Nhì Cuộc thi Quốc tế dành cho chỉ huy trẻ tại Thành phố Vladivostok năm 2004, Giải khuyến khích cuộc thi Chỉ huy hợp xướng Chuyên nghiệp toàn Nga lần IV (2006), Giải “Chỉ huy xuất sắc” tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009.Hiện anh là Chỉ huy dàn nhạc và đang công tác tại Nhà hát Giao hưởng, Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO); đồng thời là người sáng lập dàn nhạc Saigon Pops Orchestra (SPO).

(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 6 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “A world to see”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây.)