Những con chip bán dẫn đang biến chúng ta thành vị khách trong chính chiếc xe của mình.

Thú thật, mỗi lần nói đến chuyện chip bán dẫn, tôi cứ nghĩ xe hơi thật ra chả có gì phức tạp, chỉ được cấu thành từ dăm ba thứ. Chúng đơn giản thế này: Một chiếc xe, một động cơ, một con chip bán dẫn to vật vã. Nói thì nói vui thế thôi, có những chiếc xe có tới 3.000 con chip bán dẫn.

Chip bán dẫn hay còn gọi là chip vi mô là một ngành công nghiệp khổng lồ. Theo số liệu, hơn 932 tỉ con chip được tạo ra vào năm 2020. Một nửa trong số đó dùng cho thiết bị điện tử, 15% dùng cho xe hơi, tương đương 140 tỉ con chip. Tính trung bình năm 2020, mỗi xe hơi cần tới 1.800 chip bán dẫn – một con số vô cùng kinh ngạc.

Tuy nhiên, chừng đó vẫn như muối bỏ bể khi nhu cầu xe cộ đang tăng lên theo cấp số nhân. Một người bạn của tôi đặt xe vào tháng 1 và nhận bàn giao vào tháng 9. Lúc đó, cậu ta gần như quên mất màu sơn đã chọn. Nhưng như thế hãy còn may chán. Nếu chọn một chiếc Land Rover Defender, thời gian chờ là 12 tháng. Lúc này, nhiều người sẽ khuyên bạn nên “hy sinh” một chút, bỏ qua bớt tùy chọn trên xe. Khuyên thế hóa ra bằng thừa! Mua một chiếc xe mà bạn không thích chẳng khác nào sống trong hôn nhân không có tình yêu.

Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu các hãng xe không xem việc chờ đợi là điều hiển nhiên. Chẳng hạn, nhiều người đánh giá chiếc xe thuần điện Polestar 3 là một mẫu xe lý tưởng cho đến khi biết được thời gian bàn giao xe sớm nhất là Quý 4 của năm 2023. Thậm chí, nhà máy Polestar ở Mỹ chỉ cho ra lò chiếc xe đầu tiên vào năm 2024. Liệu chúng ta có chờ đợi hay không? Câu trả lời ắt là “có”. Các nhà sản xuất thừa hiểu ham muốn của con người về những thứ mới hơn, đẹp hơn và bóng bẩy hơn. Họ nghĩ rằng, cứ mới hơn ắt sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, có một thực tế mà tôi chiêm nghiệm ra: Xe hơi đời mới chẳng có gì thú vị. Chúng hoàn hảo, nhưng chứa quá nhiều con chip. Chúng thông minh hơn, nhanh hơn và cẩn trọng hơn so với xe kiểu cũ. Điều này vô tình biến con người thành vị khách trong chính chiếc xe của mình. Tôi từng cầm lái chiếc BMW i4 mới và sợ “vãi linh hồn” khi chiếc xe đột ngột thắng gấp như thể tôi sắp cán chết một con mèo vô tội. Lúc này, tôi không có cảm giác được làm chủ tay lái cho lắm. Mọi thứ chẳng lấy gì làm dễ chịu.

Bản phác thảo của huyền thoại Porsche 911 và hình ảnh chân thực của chiếc xe điện Polestar 3.
Bản phác thảo của huyền thoại Porsche 911 và hình ảnh chân thực của chiếc xe điện Polestar 3.

Ngoài BMW, tôi cũng từng trải nghiệm nhiều kiệt tác cơ khí như Aston Martin DBX707, Porsche Cayman GT4 hay Bentley Continental GT V8. Cảm giác chung là tôi không có quyền làm chủ số phận của mình. Luôn có sự can thiệp nào đó từ hàng ngàn con chip chết tiệt. Nó khó chịu đến mức, nhiều người bạn của tôi không còn hứng thú trải nghiệm xe mới. Trong khi đó, giá một số mẫu xe cũ như Porsche 911 GT3 hay Ferrari F430 Spider lại tăng lên theo năm tháng. Với hộp số sàn tuyệt hảo, chúng khiến người lái có cảm giác được làm chủ mọi thứ. Với giới chơi xe, thứ quan trọng nhất chính là cảm xúc – điều mà những con chip tinh vi không tài nào có được.