Với một ngành có lượng phát thải gần 40% lượng CO₂ trên toàn cầu, đâu là khuôn khổ cho tính bền vững?
Trong những năm gần đây, ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) được xem là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của các ngành thuộc nền kinh tế. Các chỉ số và báo cáo ESG nhanh chóng trở thành một phần tất yếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Sự thay đổi trong hành vi và kỳ vọng của người tiêu dùng cùng những thay đổi về chính sách công bên cạnh sự giám sát của các nhà đầu tư đang buộc doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc ESG. Trong lĩnh vực bất động sản, theo Báo cáo Liên hợp quốc năm 2021, ngành xây dựng và bất động sản ghi nhận phát thải gần 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Do đó, một trong những mục tiêu chính được các nhà phát triển ưu tiên là “Phát thải ròng bằng 0” (Net Zero).
ESG trong lĩnh vực bất động sản trên thế giới
Trong lĩnh vực bất động sản nhà ở và nghỉ dưỡng, người tiêu dùng cao cấp giờ đây mong muốn sở hữu một không gian sinh thái, giúp họ cân bằng mục tiêu sinh sống, làm việc và giải trí. Với các không gian nhà ở, họ muốn có một khu vườn rộng lớn, một khoảnh sân với hồ bơi, sân hiên, quầy bar ngoài trời, phòng xông hơi khô/ướt, phòng tập yoga hoặc pilates. Trong khi đó, với các khu nghỉ dưỡng, họ ưa chuộng những không gian không chỉ hài hòa giữa thiên nhiên, mà còn theo đuổi các giá trị bền vững với môi trường – từ thực phẩm theo mô hình từ nông trại lên bàn ăn, cho đến các vật dụng làm từ vật liệu tái tạo…
Trong số các không gian xanh bền vững nổi tiếng thế giới, không thể không nhắc đến những khu vườn treo thẳng đứng của Stefano Boeri Architetti, thương hiệu kiến trúc và thiết kế được sáng lập bởi kiến trúc sư người Ý Stefano Boeri. Với bề mặt được thiết kế theo kiểu bậc thang xếp chồng so le độc đáo để tạo không gian cho những vườn cây, đồng thời tối đa hóa lượng ánh sáng cho từng căn hộ cũng như cây cối cùng phần kiến trúc được trang trí bằng hệ động thực vật đa dạng, các dự án này đã nhận được nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá từ Council on Tall Buildings and Urban Habitat. Các dự án xanh của Stefano Boeri Architetti hiện diện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Milan, Venice, Utrecht, Nanjing, Huanggang, Tirana, Antwerp, Paris, Lausanne, Dubai… Lấy ví dụ về căn penthouse rộng 493m2 chiếm toàn bộ tầng 26 của dự án Bosco Verticale ở Milan – dự án đã trở thành một biểu tượng nổi tiếng của mô hình đô thị xanh kể từ khi hoàn thành vào năm 2014. Riêng căn penthouse này đã có tới sáu terrace ở cả bốn phía của tòa nhà cùng những cây thơm, cây bụi và các loại thực vật phong phú khác, mang đến cảm giác 4 mùa rõ rệt với các màu sắc đặc trưng, hài hòa với sự thay đổi của các mùa và điều kiện thời tiết.
Dự án nhà ở cao cấp KARL LAGERFELD Villas ở Marbella, Tây Ban Nha là một không gian lý tưởng dành cho những ai quan tâm đến các giá trị bền vững. Bao gồm năm biệt thự sang trọng được tạo nên trong khuôn khổ hợp tác cùng Sierra Blanca Estates và The One Atelier, KARL LAGERFELD Villas tôn vinh niềm đam mê của huyền thoại thời trang Karl Lagerfeld đối với kiến trúc, nhiếp ảnh và nội thất, đồng thời gắn kết hơn nữa với sự đổi mới và tính bền vững với mức tác động các-bon thấp, phù hợp với cam kết của thương hiệu đối với Hiệp ước Thời trang – một sáng kiến bền vững toàn cầu nhằm chuyển đổi ngành thời trang thông qua các mục tiêu về khí hậu, đa dạng sinh học, và bảo vệ đại dương.
Trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, Heart of Europe với cụm khách sạn, biệt thự sang trọng, trung tâm bán lẻ và giải trí trên sáu hòn đảo ở Dubai sẽ trở thành dự án không xả thải và không rác nhựa đầu tiên trên thế giới. Bên cạnh đó, nhà phát triển cũng lên kế hoạch xây dựng và bảo tồn các rạn san hô xung quanh.
Panther National, một cộng đồng golf cao cấp mới tại Palm Beach Gardens (Florida, Hoa Kỳ) được thiết kế bởi huyền thoại PGA Jack Nicklaus và chuyên gia golf Justin Thomas, đang áp dụng cách tiếp cận bền vững bằng năng lượng mặt trời từ Tesla Energy. Đây cũng sẽ là cộng đồng dân cư sang trọng đầu tiên trên thế giới sử dụng điện mặt trời từ ông lớn Tesla Energy.
Trong lĩnh vực văn phòng, bên cạnh các quốc gia sở hữu nhiều tòa văn phòng bền vững nhất thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, hay Tây Ban Nha, hiện Úc, Hồng Kông, Nhật Bản, New Zealand và Singapore là những quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á về xu hướng bất động sản bền vững. Cam kết bền vững của Singapore đã mang đến kết quả ngoạn mục với hơn 49% các tòa nhà ở nước này đạt được chuẩn “xanh” của chính phủ. Tại Trung Quốc, từ năm 2016 đến năm 2020, khoảng 77% các tòa nhà mới trong khu vực đô thị đã được chứng nhận là công trình xanh, trong khi Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 hiện tại thậm chí còn cam kết nâng tiêu chuẩn đó lên 100% vào năm 2025.
Những dự án tiên phong đạt chuẩn bền vững quốc tế tại Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nền kinh tế ổn định trong khu vực thời hậu đại dịch, thu hút được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa rằng, các doanh nghiệp và nhà phát triển bất động sản phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc ESG. Một chiến lược phát triển bền vững đầy tham vọng sẽ là lợi điểm để thu hút các nhà phát triển, nhà thiết kế, kiến trúc sư và các bên liên quan khác. Các tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ, EDGE của IFC, hay Green Mark của Singapore đang được sử dụng tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh một số ít dự án bất động sản nhà ở và nghỉ dưỡng được cấp chứng chỉ xanh quốc tế như Cardinal Court (Phú Mỹ Hưng), Forest in the Sky (Flamingo Group), Aqua Bay (Ecopark), InterContinental Halong Bay (BIM Group)… được trao chứng chỉ EDGE; Diamond Lotus Riverside (Phúc Khang), Diamond Crown Hai Phong (Doji Land), The Coastal Hill (thuộc quần thể FLC Quy Nhơn) – nhận chứng chỉ LEED; thì phân khúc văn phòng và bất động sản công nghiệp cũng đang được nhiều nhà phát triển ưu tiên áp dụng nguyên tắc ESG.
Tuy nhiên, cho đến nay, theo số liệu của Knight Frank, số tòa nhà văn phòng đạt chứng nhận xanh hạng 1 và hạng 2 tại Việt Nam lần lượt chỉ chiếm 9% và 16,6%, tức tổng cộng chỉ 25,6% so với 87,2% của Singapore, hay 72% của Australia.
Dữ liệu từ bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của Savills cho thấy rằng khách thuê sẵn sàng trả tiền thuê cao hơn cho các bất động sản văn phòng đã đạt được một số loại chứng nhận xanh. Theo dữ liệu này, mức phí thuê bất động sản văn phòng xanh cao hơn so với các loại tài sản thông thường, dao động ở mức 18.3% ở Băng Cốc, 18% ở Singapore, 15.8% tại Bắc Kinh, 13.7% – Manila, 9.8% – Hongkong, 8% – TP.HCM, Hà Nội – 7.8%, hay 2.1% ở Tokyo.
Tại TP. Hồ Chí Minh, chứng nhận LEED được trao cho một số tòa nhà văn phòng như Deutsches Haus, Friendship Tower, President’s Place, Phú Mỹ Hưng Tower, Saigon Centre 2…; chứng nhận Green Mark – Melinh Point; còn tại Hà Nội, đó là tòa nhà Techcombank Tower, Capital Place, Landcaster Luminaire, hay gần đây là TechnoPark Tower thuộc Vinhomes Ocean Park.
Mới đây, Frasers Property Vietnam (FPV), một trong những chủ đầu tư đa ngành hàng đầu Việt Nam, đã được tổ chức Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Cơ sở khoa học (Science Based Targets initiative SBTi) công nhận các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Đây là sự công nhận đầu tiên của SBTi dành cho một công ty bất động sản tại Việt Nam.
“FPV đặt mục tiêu chứng nhận xanh cho 80% tài sản do chúng tôi sở hữu và quản lý vào năm 2024. Tòa nhà Melinh Point của chúng tôi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua quá trình nâng cấp, trở thành tòa nhà văn phòng hiện hữu đầu tiên tại Việt Nam đạt được Chứng nhận Bạch kim Green Mark danh giá do Cơ quan Xây dựng và Xây dựng của Singapore trao tặng. Khu công nghiệp Bình Dương Industrial Park của chúng tôi cũng đang trên đà trở thành khu công nghiệp xanh tại Việt Nam đạt chứng chỉ LEED.” – ông Lim Hua Tiong, CEO Frasers Property Vietnam, chia sẻ với Robb Report.
Theo ông Lim, ba trụ cột trong Khung phát triển bền vững của Frasers Property Vietnam – Không ngừng cải tiến, Tiêu dùng có trách nhiệm và Lấy con người làm trọng tâm – tiếp tục giúp công ty thực hiện các ưu tiên chính cho đến năm 2030. “Tòa văn phòng Melinh Point hiện trang bị hệ thống lọc mát dạng hơi nước giúp tiết kiệm hơn 23% năng lượng sử dụng. Trong khi đó, hệ thống đèn LED được lắp đặt ở các khu vực công cộng trong khắp các dự án đang triển khai, đèn đường hay mái lợp điện mặt trời được ứng dụng tại khu công nghiệp Binh Duong Industrial Park. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nhu cầu cấp thiết là truyền tải thông điệp bền vững và trao quyền cho mọi người trong chuỗi giá trị – từ nhân viên, khách thuê bất động sản, nhà cung cấp, nhà thầu cho đến cộng đồng – để tạo ra tác động tích cực và có ý nghĩa đối với môi trường. Và đó là lý do tại sao tham vọng xanh hóa len lỏi trong chuỗi giá trị của chúng tôi, và chúng tôi muốn hợp tác với các đối tác để tham gia đồng hành trên chặng đường này.”
Nhận định về xu hướng đầu tư bất động sản bền vững trong những năm tới cũng như cam kết của Frasers Property Vietnam trong việc giảm lượng khí thải trong toàn bộ chuỗi giá trị, ông Lim Hua Tiong cho biết thêm: “Mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng của Chính phủ Việt Nam vì một tương lai bền vững hơn trước thềm hội nghị COP27 phù hợp với mục tiêu bền vững của Frasers Property Vietnam là trở thành tập đoàn không phát thải carbon ròng vào năm 2050. Lợi ích của một công ty đa quốc gia là khả năng chia sẻ các thực tiễn tốt nhất giữa các doanh nghiệp và thị trường. Đó là những gì chúng tôi đang làm tại Frasers Property, nơi một số thị trường tiên tiến hơn như Vương quốc Anh và Úc đang hỗ trợ các đồng nghiệp của mình để hướng tới mục tiêu không carbon ròng.”