Các đấng nam nhi đang lấy lại vai trò công tử thời nhiếp chính với những món đồ trang sức tinh tế.
Nói đến trang sức, chúng ta luôn mặc định đó là đặc quyền dành cho phái nữ, dù chúng cũng chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống của các quý ông. Hẳn nhiên, so với thị trường trang sức dành cho nữ với doanh số 31,9 tỷ USD trong năm 2017 theo số liệu của Euromonitor International, doanh số của thị trường trang sức cao cấp dành cho nam giới chỉ đạt mức 5,3 tỷ USD trong cùng năm, một con số rất khiêm tốn dù đã cho thấy mức tăng trưởng 22% so với 2012.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ranh giới giữa trang sức nam và nữ đã bị thu hẹp lại. Các đấng nam nhi đang lấy lại vai trò công tử thời nhiếp chính với những món đồ trang sức tinh tế giúp tạo cá tính, từ chiếc trâm cài áo cho đến khuy măng-sét hay nẹp cà-vạt cao cấp.
Bảo chứng của chủ nghĩa tiêu dùng phô trương
Lịch sử đã cho thấy sức hút khó cưỡng của trang sức đối với nam giới, thậm chí có những thời điểm đàn ông đeo vàng và ngọc nhiều hơn phụ nữ. Trong thời Phục hưng, đàn ông đeo trang sức với mục đích làm đẹp và thể hiện sự giàu có cũng như địa vị của mình. Trong bức chân dung Henry VIII, vị vua xứ Tudor được Hans Holbein vẽ với các món trang sức vàng, ngọc trai và ngọc. Chiếc vòng cổ của Henry lấp lánh với những viên ngọc quý, trong khi phần ngực áo và tay áo cũng được gắn vô số viên hồng ngọc lấp lánh. Bức chân dung của nhà vua Thụy Điển Gustavus III được vẽ vào năm 1777 cho thấy chiếc vòng cổ tinh xảo bốn tầng, bao gồm các biểu tượng của quyền lực và sự giàu có. Chiếc vòng cổ “tọa” trên một chiếc áo khoác lông chồn ermine.
Vào thế kỷ 16, hoa tai là phụ kiện khá được ưa chuộng ở Anh. Trong bức chân dung hiện được treo tại Bảo tàng triển lãm chân dung nghệ thuật quốc gia Luân Đôn (National Portrait Gallery), nhà quý tộc và là nhà thám hiểm Walter Raleigh còn đeo một chiếc hoa tai bằng ngọc trai bên tai trái – điều có thể khiến bất cứ ai sống trong kỷ nguyên 4.0 ngơ ngác ngạc nhiên.
Chuỗi ngọc trai trên cổ George Villiers, Công tước Buckingham thứ nhất được chế tác vào năm 1625. Cùng với chiếc vòng ngọc trai “khủng” này, cổ áo ren được may cầu kỳ, tỉ mỉ là một hạng mục đắt tiền khác cho thấy quyền lực và sự giàu có của chủ nhân. Có thể nói, thời kỳ Phục Hưng là kỷ nguyên của chủ nghĩa tiêu dùng phô trương, và trang sức chính là một bằng chứng rõ nét nhất minh chứng cho nhận định này.
Không chỉ có các quý ông châu Âu đeo trang sức, dù họ có thể đã đạt đến đỉnh cao nhất của việc “khoe của” trong thời Phục hưng. Trên khắp thế giới, đàn ông đeo trang sức vì đủ loại lý do. Những quý ông Ainu ở Nhật Bản đã xỏ lỗ tai cho đến khi hành động này bị chính phủ Nhật Bản coi là bất hợp pháp vào cuối những năm 1800, trong khi một số bộ lạc da đỏ ở Mỹ đeo khuyên trên mặt và sử dụng trang sức cho các nghi lễ tôn giáo. Bức tranh của Nana Fadnavis cho thấy chân dung một người đàn ông ở Ấn Độ với vòng cổ, khuyên tai, và thậm chí là cả trang sức đính trên khăn đội đầu.
Những Regency Dandy thời hiện đại
Nếu như những nhân vật nổi tiếng của thế hệ trước như Elton John hay Karl Lagerfeld coi trang sức như món phụ kiện không thể thiếu trong cuộc sống thì các rapper da màu đình đám như Jay Z, Kanye West, Usher hay các ngôi sao Hollywood cũng không là ngoại lệ. West chuộng đá quý, còn Pharrell Williams và Antonio Banderas chuộng trâm cài áo của Chanel và Atelier Swarovski Fine Jewellery.
Và có lẽ cũng nên gọi “hoàng tử trái đào” Timothée Chalamet – ngôi sao của Call me by your name bằng cái tên Call me by your chain thì đúng hơn, bởi anh chàng diễn viên mang vẻ đẹp phi giới tính này gần như luôn xuất hiện cùng chiếc dây chuyền mỏng mảnh, dù đó là khoảnh khắc dạo chơi trước biển ở Busan của xứ kim chi hay những sự kiện ra mắt phim và Liên hoan phim danh giá. Tại Academy Awards 2020, “hoàng tử trái đào” này đã đeo trâm cài vintage 1955 Cartier, còn trong một sự kiện khác, anh kết hợp dây chuyền với giày thể thao Gucci, một bộ tuxedo hoàn hảo cùng chiếc máy ảnh 35mm điệu nghệ. Trong lúc đó, Chadwick Boseman – kép chính của bộ phim bom tấn Black Panther gây xôn xao khi xuất hiện tại một lễ trao giải với ba chiếc trâm kim cương cài áo cỡ lớn của Tiffany & Co.
Trong thế giới hip-hop, trang sức thường thấy là những chiếc dây chuyền “xích chó”, vòng vàng, nhẫn, hoa tai, khuyên xỏ mũi, trang sức cho răng và vỏ điện thoại di động bằng kim loại quý. Các nghệ sĩ hip-hop như A$AP Rocky và hãng kim hoàn Offset đã thử nghiệm các loại trang sức truyền thống nữ tính theo phong cách Holly Golightly, bao gồm ngọc trai mịn, dây chuyền kim cương, nhẫn và hoa tai nạm kim cương. Hẳn thế mà bạn sẽ không ngạc nhiên khi nhìn thấy những món trang sức có phần “dị hợm” trên cổ Jay-Z, rapper nổi tiếng mới gia nhập danh sách các tỉ phú; dây chuyền “khủng bố” Ratatouille Chain mà rapper Quavo diện tại MET Gala 2017, chiếc dây chuyền Twin Panther Chain khảm 1800 viên kim cương trị giá nửa triệu Mỹ kim trên cổ rapper người Mỹ Gucci Mane, trong khi DJ Hiroshi Fujiwara – người được mệnh danh là “Bố già của Streetwear” – thường “kết” các món trang sức đầy phong cách của nhà Goro.
Từ những thương hiệu kim hoàn lâu đời nhất ở Luân Đôn như Goldsmiths’ Company cho đến các ông lớn như Tiffany & Co., Cartier, Boucheron, Bulgari hay các thương hiệu mới nổi như Josef Koppmann và Tomasz Donocik đều gây dấu ấn với những món trang sức độc đáo dành cho quý ông. Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, Tiffany & Co. đã tung ra bộ sưu tập trang sức đặc biệt được thiết kế cho nam giới, bao gồm vòng tay, dây chuyền, nhẫn từ bạc và kim cương. Cũng trong năm đó, Cartier giới thiệu BST Juste un Clou dành cho nam với mô-típ hình cây đinh huyền thoại, bao gồm nhẫn, vòng tay, khuy măng sét và ghim cà-vạt. Thương hiệu huyền thoại xứ Phù Tang Mikimoto cũng bắt tay với thương hiệu thời trang Comme des Garçons để tung ra bộ sưu tập trang sức đầu tiên dành cho các quý ông. Giờ đây, bất cứ quý ông nào cũng có thể diện chiếc vòng cổ ngọc trai như cách mà vị quân vương Henry VIII đã từng đeo trong lịch sử.