Số tiền thu được từ Sotheby’s Paris sẽ dùng để tu sửa một lâu đài cổ ra đời từ thế kỷ 17 ở Normandy.
Nhà thiết kế nội thất lừng danh người Pháp Jacques Garcia đã dành phần lớn thời gian của mình trong ba thập kỷ để trùng tu lại Château Champ de Bataille, một lâu đài kiểu Baroque nằm ở địa phận Eure vùng Thượng Normandy của Pháp. Trong nỗ lực bảo tồn địa danh nổi tiếng từ thế kỷ 17 và đồng thời kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của mình, ông đã tuyển chọn một bộ sưu tập những món đồ xa hoa để đấu giá.
Từ kỷ vật hoàng gia đến các tác phẩm nghệ thuật lịch sử, 75 món đồ mà Garcia lựa chọn cẩn thận trong nội thất của lâu đài sẽ được bán đấu giá tại Sotheby’s Paris vào ngày 16 tháng 5. Những vật phẩm gây chú ý nhất trong bộ sưu tập lần này bao gồm đồ sứ cao cấp, tác phẩm điêu khắc, vật trang nội thất tinh xảo từ thế kỷ 17, 18 và 19, từng được Vua Louis XV, Louis XVI, Nữ hoàng Mary II của Anh và Nữ hoàng Marie Leszczynska, cùng một số nhân vật nổi tiếng khác sử dụng. Bộ sưu tập đáng mơ ước dự kiến sẽ thu về từ 108.000 USD đến 2,1 triệu USD.
Trong số những tuyệt tác được săn đón nhiều nhất có sự xuất hiện của hai cặp ghế bành do bậc thầy làm ghế nổi tiếng nhất Paris, Georges Jacob dành tặng vương hậu Pháp Marie-Antoinette và một chiếc đi-văng do Jacob Desmalter chế tác cho đám cưới của Napoléon Bonaparte với Hoàng hậu Marie-Louise. Ngoài ra, vật phẩm đấu giá còn có một chiếc tủ quần áo khảm gỗ hoa văn thời Louis XV do Antoine-Robert Gaudreau thiết kế và một chiếc bàn chân quỳ (console table) dùng trong trang trí nội thất cao cấp, từ thợ đóng gỗ mỹ thuật Adam Weisweiler. Các nhà đam mê sưu tầm đồ sứ Sèvres chắc chắn sẽ bị thu hút bởi những chiếc bình Lagrenée vào khoảng năm 1797 và bộ đĩa được kỳ công trang trí bằng họa tiết hơn 400 loài chim khác nhau lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Georges Louis Leclerc, Bá tước Buffon.
Garcia mua lại Champ de Bataille vào năm 1992 với nỗ lực khôi phục vẻ nguy nga tráng lệ của tòa lâu đài như thuở ban đầu. Tại thời điểm mua, lâu đài chỉ có hai phòng còn sử dụng được. Nhà thiết kế sau đó đã phải tiến hành một cuộc trùng tu khó khăn và tốn kém bằng việc bổ sung bộ nội thất, tranh vẽ và các tác phẩm nghệ thuật trang trí công phu mà ông dày công sưu tập trong suốt sự nghiệp của mình. Nhờ sự giúp đỡ của nhà làm vườn bậc thầy Patrick Pottier, lâu đài giờ đây không chỉ khoác lên mình vẻ đẹp lộng lẫy, mà còn gây ấn tượng với khu vườn tư nhân lớn nhất châu Âu.