Những chiếc xe điện khô khan và lạ lẫm đang là thách thức không nhỏ cho cánh độ xe.
Nói không ngoa, nền văn hóa xe hơi được gầy dựng trên đôi vai của những tay độ xe khét tiếng cùng đám thợ cơ khí “sống chết” với nghề xe cộ. Để nâng công suất và tăng độ bền cho xe, các hãng độ sẵn sàng can thiệp cả vào động cơ, hộp số cho đến các chi tiết vụn vặt bên trong. Đôi khi, đó chỉ là các thao tác trên máy tính hòng nâng công suất cho cụm tăng áp. Xét cho cùng, một chiếc xe dù lập dị đến mấy vẫn phải tuân thủ các chuẩn mực kinh tế, nhiên liệu, tuổi thọ, sức bền lẫn tính năng an toàn khi rời nhà máy. Đây chính là cơ hội để các thợ độ trổ tài hay nói chính xác là quá trình can thiệp nhằm nâng công suất của xe.
Tuy nhiên, văn hóa độ xe đang gặp nhiều thách thức trong thời điện hóa. Ngay cả những thợ độ giàu kinh nghiệm bậc nhất đôi lúc cũng nản chí trước các cỗ xe lai hợp hay thuần điện. Các mô-tơ kín kẽ trên xe điện khiến cho họ chẳng biết bắt đầu từ đâu. Trong khi đó, dàn pin trên xe điện là thách thức cao độ với những ai không có chuyên môn về điện đóm. Đến lúc này, các công cụ cơ khí bỗng trở nên lạc lõng trước chiếc xe phi truyền thống.
Ngay cả Honda, một thương hiệu khá “thân thiện” với cánh độ xe cũng tỏ ra dè dặt khi nói về khả năng nâng công suất cho một chiếc xe điện. Hãng xe Nhật thừa nhận, nhu cầu độ xe của khách hàng là rất chính đáng ngay cả khi các nhà sản xuất chuyển sang xe điện. Tuy nhiên, nhà sản xuất thường không khuyến khích khách hàng “táy máy” trên các mẫu xe nguyên bản, nhất là xe điện. Lý do là nguồn điện trên xe thường có công suất cao, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Thành ra, thay đổi thông số trên một cỗ xe điện thường khó gấp nhiều lần so với xe truyền thống.
Ngay cả khi muốn can thiệp vào động cơ xe điện, chủ xe hoặc các thợ độ chuyên nghiệp cũng khó định hình nên bắt đầu từ đâu. Xe điện hiện đại không đơn thuần là sự hoán đổi mô-tơ và dàn pin cho động cơ và bình xăng trên xe truyền thống mà là sự kết hợp hoàn hảo giữa hàng loạt hệ thống khác nhau. Chẳng hạn, trên chiếc Audi E-Tron, hệ thống lái Quattro trứ danh được liên kết chặt chẽ với dàn pin, hệ thống treo cũng như phần mô-tơ hòng tối ưu hóa khả năng vận hành của xe. Theo đại diện của Audi, rất khó để can thiệp vào các hệ thống như vậy. Nâng cấp bộ tăng áp hay tỷ số truyền của hộp số gần như là điều không thể. Chúng phải ăn khớp với dàn pin, hệ thống điện của mô-tơ cũng như hệ thống quản lý nhiệt trên xe. Mới nghe qua đã thấy phức tạp.
Thông thường, với xe hơi sử dụng động cơ đốt trong, mỗi hệ thống thường được phát triển một cách độc lập theo một chừng mực nhất định. Với xe điện, các cấu kiện như mô-tơ, hệ thống làm mát, khung sườn, hộp số hay hệ thống treo thường được phát triển theo kiểu một khối hoàn chỉnh. Chúng liên kết một cách chặt chẽ và hoạt động vô cùng trơn tru. Điều này lý giải vì sao một chiếc Tesla Model S chỉ mất tầm 2,3 giây để tăng tốc từ 0-96 km/giờ.
Dĩ nhiên, với ham muốn và tri thức của con người, mọi thứ chỉ là vấn đề thời gian. Những thợ độ lành nghề sẽ “cười khẩy” nếu ai đó cho rằng xe điện là thứ bất khả xâm phạm. Minh chứng rõ nhất là chiếc Corvette GXE thuần điện được hãng độ Genovation của Mỹ kết hợp một cách tài tình giữa các mô-tơ điện và hộp số truyền thống 7 cấp theo kiểu truyền thống. Với động cơ cho công suất 800 mã lực, GXE có tốc độ tối đa hơn 321 km/giờ.
Như đã nói ở trên, rất khó để can thiệp vào các hệ thống trên một chiếc xe điện như Audi E-Tron. Tuy nhiên, bạn có thể cắt giảm trọng lượng của xe để tăng cường cảm giác lái, giảm tải cho dàn thắng và rút ngắn thời gian tăng tốc. Ngoài ra, bạn có thể thay đổi tỷ số truyền cùng nhiều thông số khác hay đơn giản là dùng các bộ lốp với hiệu suất cao hơn. Trong kỷ nguyên số, nếu bạn hiểu rõ chiếc xe và các hệ thống phức tạp bên trong, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, việc thay đổi phần cứng lại không hề dễ dàng vì xe điện thường được lắp ráp vô cùng kín kẽ hòng tối ưu hóa không gian nội thất. Một thợ độ sáng tạo thường thay thế một số cấu kiện của xe nhằm tăng công suất hoặc tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Từ đây, họ tìm cách hóa giải bài toán tưởng như bất khả.
(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Tám mang chủ đề “New Era of Personalization”)