Trưa 20/1/2021, tại lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Điện Capitol, thủ đô Washington, nữ ca sĩ Lady Gaga đã thu hút ánh nhìn của mọi người có mặt trong sự kiện lẫn khán giả theo dõi trực tuyến. Không phải bởi vẻ dị hợm của một “quái vật” làng nhạc với bộ trang phục màu đỏ che kín cả khuôn mặt hay bộ váy làm từ các miếng thịt bò sống, mà là bởi bộ váy đỏ bằng lụa faille, liên tưởng đến “Trò chơi Sinh tử”, phối cùng chiếc áo tay dài màu xanh đen từ len cashmere đính ghim cài kích thước lớn màu vàng ánh kim khắc họa chú chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình. Ngay lập tức, tên tuổi của thương hiệu thời trang đứng sau bộ trang phục này được giới mộ điệu tìm ra: Elsa Schiaparelli.
Vậy Schiaparelli là ai? Nữ hoàng của phong cách siêu thực, bạn thân của Salvador Dalí và Man Ray, hay đối thủ chính của Coco Chanel?
Hành trình đi tìm bản ngã
Là nguồn cảm hứng cho nhiều tên tuổi như Yves Saint Laurent, Franco Moschino, và John Galliano, nhưng Schiaparelli không được nhiều người biết đến. Bà đã trải qua những năm tháng thăng trầm với tuổi thơ gò bó trong định kiến, khoảng thời gian chật vật ở Paris với cô con gái nhỏ, và những ngày gồng mình vượt qua giông tố của Thế chiến thứ II. Hành trình đi tìm bản ngã đó đã được gói ghém trong Hot Pink: The Life and Fashion of Elsa Schiaparelli - cuốn sách đưa độc giả trở lại nửa đầu thế kỷ 20 qua góc nhìn của Schiaparelli. Tác giả Susan Goldman Rubin đã chắp nối những cột mốc trong sự nghiệp thời trang với những ký ức qua hồi tưởng của Schiaparelli để tạo nên bức tranh sống động về cuộc đời của nhà thiết kế đại tài.
Năm 1922, Elsa Schiaparelli đặt chân đến Paris, mang theo cô con gái nhỏ mắc bệnh bại liệt.
Những thành công của tôi bắt nguồn từ 2 yếu tố: hoàn cảnh nghèo khó và Paris. Hoàn cảnh nghèo khó buộc tôi phải làm việc, và Paris đã giúp tôi yêu thích công việc đó. – Elsa Schiaparelli
Xuất thân từ một gia đình quý tộc Ý, Schiaparelli luôn cảm thấy cuộc sống ở Palazzo Corsini quá bó buộc với những nghi thức nghẹt thở. Vì vậy, khi nhận được lời mời sang London làm bảo mẫu, Schiaprelli đã bỏ ngoài tai những lời phản đối kịch liệt từ cha mẹ và cuộc hôn nhân sắp đặt để bắt đầu hành trình phiêu lưu của mình. Ở London, cô gái trẻ gặp một người đàn ông tự xưng là Giáo sư Thông tiên học – nhưng thực tế là một gã lừa đảo. Ngây thơ và mù quáng, Schiaparelli yêu mê mệt rồi chấp nhận lời cầu hôn của hắn. Nhưng không lâu sau khi cả hai sang Mỹ, Schiaparelli đã bị gã tình nhân bỏ rơi trong lúc bụng mang dạ chửa. Thời đó, một phụ nữ không chồng, không gia đình đồng nghĩa với việc không có gì cả.
Sau khi sinh con gái đầu lòng vào năm 1920 và phát hiện cô bé bị bạo bệnh, Schiaparelli quyết tâm làm mọi cách để kiếm tiền điều trị và nuôi con. Trong những chuyến chu du trước đó, cô gái Schiaparelli đã phải lòng Paris để rồi thốt lên rằng: “Đây là nơi mà tôi sẽ sống!” Ký ức đó thôi thúc bà trở lại Kinh đô ánh sáng.
Schiaparelli và bí mật của những ký tự S
Đầu thế kỷ 20, thời trang Paris hoàn toàn lột xác, loại bỏ cấu trúc ràng buộc của thời Victoria để tiến đến cuộc sống hiện đại. Những nhà thiết kế như Paul Poiret, Madeleine Vionnet, Coco Chanel đã mang đến khái niệm mới về phong cách và thời trang với việc ra mắt những bộ trang phục lấy cảm hứng từ văn hóa Ba Tư, chiếc váy rủ nhẹ nhàng, hay chiếc quần ống rộng kiểu dáng thủy thủ.
Mặc dù rất yêu thích thời trang, nhưng Schiaparelli không có điều kiện để theo đuổi công việc trong lãnh địa này. Thời gian đầu ở Paris, bà săn lùng đồ cổ và bán lại cho khách hàng có nhu cầu, chỉ thi thoảng may thêm những món đồ xinh xắn cho những người bạn thuộc giới nghệ sĩ. Nhưng tài năng chớm nở của Schiaparelli đã sớm lọt vào mắt xanh của nhà thiết kế Paul Poiret. Ông khuyến khích bà bắt đầu sự nghiệp thiết kế và giới thiệu Schiaparelli với những nhân vật quan trọng trong giới thời trang Paris.
Các quý cô tìm đến những chiếc váy dạ hội của tôi theo cách họ thuê các họa sĩ nổi tiếng để vẽ nên chân dung mình. Tôi là nghệ sĩ, không đơn thuần chỉ là thợ may. – Paul Poiret
S-portswear
Sau Thế chiến thứ I, xã hội hiện đại đã có nhiều thay đổi trong thể hiện giới. Nhiều cô gái trẻ gia nhập thị trường lao động, dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu “sportswear” – trang phục thực dụng, không chỉ riêng đồ thể thao. Schiaparelli rất thích phong cách trẻ trung, năng động này. Nhưng bà thường cảm thấy những thiết kế sportswear thịnh hành thời đó không đủ hấp dẫn về họa tiết và màu sắc. Năm 1927, bà hợp tác cùng hai thợ đan len người Armenia để tạo nên chiếc áo len có họa tiết cổ thắt nơ và măng sét trắng. Thiết kế này vận dụng trompe-l’œil, một thuật ngữ chỉ những bức họa trên mặt phẳng hai chiều nhưng tạo nên ảo giác ba chiều.
Sự kết hợp giữa tính thực dụng và nét nghệ thuật có phần hóm hỉnh là nền móng của phong cách Schiaparelli. Các quý cô đã “phát sốt” với những chiếc áo len trompe-l’œil, và “cơn sốt” đó đã giúp bà mở cửa tiệm thời trang đầu tiên của mình trên phố Paix, chuyên về sportswear. Không dừng lại ở trang phục thường nhật, Schiaparelli còn thiết kế những bộ suit chuyên dụng cho các nữ phi công nổi tiếng như Amelia Earhart và Amy Johnson. Ngoài ra, bà còn cho ra mắt jumpsuit cho các hành khách trên chuyến bay, để khi hạ cánh, các quý cô có thể cởi bỏ bộ suit ngoài để lộ bộ cánh tinh tế và lịch sự bên trong. Bộ jumpsuit không chỉ có tính ứng dụng cao mà còn mang tính biểu diễn, như thể những hành khách đã biến hình thành các quý cô sang trọng.
S-hocking Pink
Nhắc đến Elsa Schiaparelli, có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến màu hồng - một sắc hồng cháy bỏng và “gây sốc.”
Trước Schiaparelli, màu hồng cũng từng được sử dụng trong thời trang và bày trí. Giới quý tộc Pháp thế kỷ 18 ưa chuộng sắc hồng nhạt, và ở thế kỷ 19, César Ritz đã biến tấm khăn trải bàn hồng phấn thành biểu tượng của những nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, tất cả sắc hồng đó đều thuộc về tông nhạt nhẹ nhàng. Đến những năm 1920, bảng màu thời trang trầm lại, xoay quanh chủ yếu những màu trung tính, tạo tổng thể tinh tế nhưng có phần đơn điệu. Với mong muốn thay đổi điều đó, năm 1937, Schiaparelli đã cùng họa sĩ Jean Clément tạo nên một gam hồng mới. Sau nhiều lần thử nghiệm, họ đã cho ra mắt sắc hồng nóng mà bà gọi là “Shocking Pink.”
Điểm đặc biệt của màu hồng này nằm ở sắc tím magenta. Trong lịch sử thời trang và nghệ thuật, thuốc nhuộm tím từng đắt gấp ba lần vàng khối vì nguyên liệu sản xuất vô cùng hiếm hoi. Vì vậy, trang phục tím từng là đặc quyền của hoàng tộc. Đến thế kỷ 19, các nhà khoa học chế tạo thành công thuốc nhuộm hóa học và bắt đầu thử nghiệm cho ra mắt những sắc màu mới, trong đó có magenta. Việc Schiaparelli sử dụng thuốc nhuộm magenta để tạo ra “Shocking Pink” không chỉ có ý nghĩa khơi gợi lại nét quý phái vốn có của màu tím, mà còn là một câu chuyện về sự đổi mới sáng tạo, vận dụng những phát triển khoa học kỹ thuật trong thời trang.
Mặc dù bị nhiều bạn bè can ngăn, nhưng khi Schiaparelli cho ra mắt bộ sưu tập váy áo và mũ hồng, giới thời trang quốc tế đã quay cuồng vì sắc màu mới lạ này. Khác với hồng phấn, “Shocking Pink” mang đến cảm giác như thể đang phát sáng. Đó là một màu sắc quyền lực nhờ khả năng thu hút mọi ánh nhìn, nhưng nếu nhìn quá lâu, ánh sáng chói lòa ấy sẽ gây mỏi mắt. Phải chăng, đối với các quý cô, đây là cách để họ thể hiện sức mạnh nội tại, như một lời tuyên bố về tiềm năng và vai trò chủ lực trong xã hội của người phụ nữ hiện đại?
S-urrealism
Đối với các nhà thiết kế, có lẽ đóng góp lớn nhất của Schiaparelli cho thời trang là những tác phẩm siêu thực.
Trường phái siêu thực được sinh ra tại châu Âu thời hậu chiến thứ nhất, như một cách để chống lại những tư tưởng logic vô chứng và khuynh hướng cô lập giữa thực và ảo. Schiaparelli thường xuyên giao lưu qua lại với các nghệ sĩ thuộc dòng nghệ thuật siêu thực như Salvador Dalí và Jean Cocteau. Qua nhiều lần hợp tác, bà đã cho ra mắt những thiết kế kinh điển, đánh lừa thị giác, tạo nên các ảo ảnh nửa thực nửa mơ. Jean Cocteau đã từng viết rằng: “Schiaparelli thiết kế nên những điều lạ thường. Nơi làm việc của bà tại Place Vendôme là một phòng thí nghiệm ma thuật.”
Với những tác phẩm siêu thực của mình, Schiaparelli đã phá bỏ rào cản giữa thời trang và nghệ thuật, hòa hợp hai yếu tố làm một. Điều này cho phép các nhà thiết kế thời trang tham gia vào cuộc hội thoại có mối liên hệ chặt chẽ với văn hóa, xã hội và chính trị, không đơn thuần chỉ là những thợ may quần áo. Các khách hàng cao cấp của bà cũng rất ưa chuộng tính siêu thực này, như một cách để họ thể hiện thẩm mỹ, gu nghệ thuật và cả tư tưởng của mình chỉ qua một ánh nhìn.
Một số thiết kế siêu thực của Elsa Schiaparelli và các họa sĩ hợp tác: