Công tước xứ Bedford là một trong những tước vị quan trọng nhất tại Anh quốc. Để có thể đảm nhiệm trọng trách đó trong xã hội quý tộc khắt khe, thích dòm ngó và đánh giá, các nam nhân không chỉ hiểu biết, uyên bác và lịch thiệp, mà còn luôn phải xuất hiện với ngoại hình chuẩn mực và tinh tế. Vì lý do đó mà vào đầu thế kỷ thứ 19, Công tước xứ Bedford đương thời đã thường xuyên xin lời khuyên từ một người bạn là cố vấn phong cách.


Được mệnh danh là “dandy chính hiệu,” anh bạn này nổi tiếng với những bộ suit lịch lãm, vận dụng sự tương phản giữa những màu sắc trung tính, giản dị, vốn khác xa với sự rườm rà của thời trang Pháp triều đại Versailles. Phong thái của vị cố vấn này luôn gây ấn tượng mạnh mẽ với các quý ông Anh quốc, và thậm chí còn lọt vào mắt xanh của Hoàng tử xứ Wales thời bấy giờ.

Chân dung của "chàng dandy chính hiệu."

Khi Công tước xứ Bedford ngỏ lời xin ý kiến trong một cuộc gặp mặt, người đàn ông đó bèn cẩn thận quan sát bộ trang phục của vị công tước từ đầu đến chân. Sau đó, anh ta yêu cầu người bạn quay vài vòng để nắm được ngoại hình tổng thể, rồi tiến lại gần và vân vê ve áo của Công tước giữa những ngón tay thon nuột rồi thẳng thừng nói: “Bedford, anh gọi cái thứ này là áo khoác ư?”


Người đàn ông hóm hỉnh và tinh nghịch đó chính là George Bryan Brummell – thường được biết đến với biệt danh Beau (anh chàng bảnh bao) – ông tổ của bộ suit nam hiện đại.


Trong lịch sử thời trang nam, có lẽ chưa thời kỳ nào có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn khoảng cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19, khi các quý ông từ bỏ những tấm áo thêu hoa rực rỡ để hướng đến tính ứng dụng, màu sắc trung tính, tổng thể đơn giản mà tinh tế. Trọng tâm của những bộ suit nam chuyển từ thiết kế phức tạp và nổi bật đến những chi tiết trong đường cắt sắc nét và chất liệu cao cấp. Nhiều người cho rằng Beau Brummell là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến sự thay đổi này, thậm chí còn được tôn vinh là người đặt nền móng cho thời trang nam hiện đại. Và đến nay, nhân vật này vẫn gây ra nhiều tranh luận trong giới thời trang. Qua từng góc nhìn khác nhau, Beau lúc là biểu tượng cho sự sang trọng và hiện đại, khi là kẻ đã khiến thời trang nam trở nên nhàm chán.

Bộ suit đặc trưng của Beau Brummell, vận dụng những màu sắc trung tính nhưng tương phản, để tạo ấn tượng mạnh.
Nhưng liệu Beau Brummell có thực sự tạo nên một sự thay đổi lớn có tác động đến vài thế kỷ sau? Phải chăng thời trang nam hiện đại bắt nguồn từ một sự từ bỏ? Và liệu các nhà mốt nam của thế kỷ 21 có còn bị chi phối bởi thời kỳ này?


Vào cuối thế kỷ thứ 18, một số chuyển biến xã hội đã có những ảnh hưởng lớn đến thời trang. Sau sự sụp đổ của triều đại Versailles, giới quý tộc châu Âu không còn ưa chuộng lối thẩm mỹ phô trương kiểu Pháp nữa. Cùng lúc đó, cuộc Cách mạng công nghiệp đã mở ra kỷ nguyên mới, thúc đẩy sự năng động và tính thực dụng để phục vụ nhu cầu sản xuất. Để hoà hợp với thời đại, các quý ông bèn tìm đến những thiết kế đơn giản, trung tính, và thầm lặng. Trong bối cảnh này, Beau Brummell trở thành hình mẫu nam lý tưởng với phong cách cân bằng giữa những nhu cầu của xã hội công nghiệp mà vẫn thể hiện được sự đẳng cấp và sang trọng.


"Cà-vạt là một trong những chi tiết quan trọng nhất trên trang phục của tôi và phong cách tinh tế nói chung. Mỗi sáng tôi phải dành ra vài tiếng đồng hồ cực nhọc để có thể thắt được một nút cà-vạt trông thoải mái, tự nhiên như vậy đó." George Bryan “Beau” Brummell


Các quý ông Anh quốc tự tin rải bước trên phố trong những thiết kế suit mới lạ, đề cao sự thoải mái và tinh thần sáng tạo.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã có không ít phong trào phản đối những chuẩn mực sinh ra từ nền móng tối giản và trung tính này. Trong thập kỷ 1920 và 1930, nhiều quý ông Anh quốc thể hiện sự phẫn nộ với việc thời trang nam có vẻ kém phát triển so với những bước tiến vượt bậc của thời trang nữ đương thời. Đối với họ, những thay đổi trong thời trang nam ở cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19 là một sự mất mát đáng tiếc, vì trong quá trình hướng đến tính ứng dụng, các nam nhân đã từ bỏ quyền được thể hiện sắc đẹp và cá tính, không còn được sáng tạo, dẫn đến sự đồng hoá và đình trệ. Hơn thế nữa, họ cho rằng những bộ suit cổ cao thắt cà-vạt bó buộc có thể gây hại cho sức khoẻ của của các nam nhân. Từ những giả thuyết này, chuyên gia tâm lý học thực nghiệm John Flügel đặt tên cho phong cách của thời kỳ chuyển biến Hậu Cách mạng Pháp là “The Great Masculine Renunciation” (Sự chối bỏ nam tính).


Trang phục của các quý ông “nổi loạn” đó – bao gồm áo sơ mi cổ ren, quần soóc, và cả chân váy – đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của xã hội và sự giễu cợt từ chính các nhà may suit (do lo ngại rằng việc đa dạng hoá thời trang nam sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định trong kinh doanh). Mặc dù thành công không tới ngay lập tức, nhưng trong suốt thế kỷ 20 và 21, những nhà mốt và nam nhân sành điệu liên tục phá cách, vượt qua những giới hạn được đặt ra từ gần hai thế kỷ trước.


Không lâu sau phong trào đầu tiên, vào thập kỷ 1960 và 1970, các nhà thiết kế và ngôi sao nhạc rock đã có những thử nghiệm táo bạo, kết hợp các chi tiết mà trước đây từng được coi là “nữ tính” vào thời trang nam và ra mắt những tác phẩm đầy tính nghệ thuật. Ngoài việc tạo ra những phong cách độc đáo đã trở thành biểu tượng một thời, sự chuyển biến này còn đa dạng hoá thời trang nói chung, giúp các quý ông có thêm thật nhiều lựa chọn phù hợp với thẩm mỹ và nhu cầu của từng cá nhân.

Huyền thoại nhạc rock Mick Jagger (The Rolling Stones) toả sáng trong thiết kế của Michael Fish.

Sau các cuộc cách mạng thời trang và những thay đổi trong nhận định, ở thế kỷ 21, dường như thời trang nam đã không còn bị ràng buộc bởi những chuẩn mực xa xưa nữa. Với trọng tâm thể hiện cá tính và đảm bảo sự thoải mái, mỗi nhà thiết kế lại mang tới một định nghĩa mới về sự nam tính trong kỷ nguyên hiện đại. Dưới thời của Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele, nhà mốt Gucci không ngừng ra mắt những bộ trang phục lấy cảm hứng từ thập kỷ 1970 “phi giới tính.” Cùng lúc đó, một “người khổng lồ” khác trong thị trường thời trang Ý, Moschino – dưới góc nhìn của Jeremy Scott – liên tục nhấn mạnh triết lý maximalism (tối đa), phản ánh nhu cầu thể hiện bản thân trong thời đại công nghệ, nơi hình ảnh có thể phát tán toàn cầu chỉ trong vài giây phút.

Màu sắc rực rỡ và hoạ tiết trompe-l'œil tạo nên cá tính đặc trưng của Moschino.

Nhà thiết kế Thom Browne luôn cân bằng giữa những nét cổ điển trong đường kim mũi chỉ và phong cách hiện đại. Lấy cảm hứng từ trang phục công sở của thân phụ, ông cải tiến những bộ suit “chuẩn quý ông Mỹ” thành những thiết kế độc đáo, đa dạng trong phom dáng và kết cấu. Qua đó, những món đồ và chi tiết đặc trưng của thời trang nữ được hồi sinh với tính nam “siêu ngầu.”

Hình ảnh quý ông Mỹ trẻ trung hiện đại trong phong cách Thom Browne. Instagram @thombrowne

Ngay cả trang phục thường nhật cũng không còn phải tuân theo những chuẩn mực cứng nhắc, mà thay vào đó, đề cao tối đa sự thoải mái của người mặc, như bộ sưu tập Xuân Hè 2025 của Hermès đã cho thấy. Không chỉ vậy, mà với sự hiện diện của các tiểu văn hoá với những triết lý và thẩm mỹ riêng biệt, giờ đây, thị trường thời trang đang đa dạng hơn bao giờ hết. Và tại Pitti Uomo, nơi gặp gỡ thường niên của những tín đồ thời trang nam, khách tham quan có thể bắt gặp vô số quý ông sành điệu, mỗi người một cá tính, một kiểu dáng khác nhau.

Các nam nhân sành điệu tại hội chợ Pitti Uomo. Lorenzo Sodi

Mặc dù tư tưởng về nét lịch lãm của Beau Brummell và những quý ông đầu thế kỷ 19 vẫn có ảnh hưởng lớn đến trang phục cho nam giới, nhưng nhìn chung, nhận định của xã hội về thời trang nam đã được khai phóng đáng kể, không còn bị gò bó bởi tính thực dụng và phong cách tối giản. Ngày nay, các quý ông có thể thoả sức thử nghiệm và “lên đồ” với những sắc thái, chất liệu, hoạ tiết, và màu sắc bắt mắt, phối hợp phụ kiện để làm nên bộ cánh khắc hoạ chân thực cá tính của mình.