Studio thiết kế Peter Pichler Architecture đã khởi xướng một trào lưu xây dựng mới thời hậu Covid.
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thử thách nhưng không vì thế mà ngăn trở sự sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực kiến trúc. Peter Pichler Architecture, studio thiết kế mang tên vị kiến trúc sư trẻ tài năng đến từ Milan (Ý) đã khởi xướng một trào lưu xây dựng mới thời hậu Covid bằng việc đưa những ngôi nhà trên cây (treehouse) theo hướng “off-grid” (sử dụng năng lượng hoàn toàn tự nhiên không phụ thuộc lưới điện quốc gia) vào ứng dụng. Từ một dự án ban đầu được đăng tải trên website của mình, đến nay studio nhận được cơn mưa “đặt hàng” thiết kế từ các đối tác trên khắp thế giới, đặc biệt là Mỹ và Áo, cho hình thức xây dựng này.
Khởi nguồn cảm hứng
Chia sẻ cùng Robb Report Vietnam, Peter Pichler cho biết ý tưởng thiết kế nhà trên cây đến với anh trong một lần nhận được yêu cầu mở rộng khuôn viên của một khách sạn hạng sang tại Hồ Dawson, Tây Virginia, Hoa Kỳ. Để tạo sự khác biệt cho công trình, Pichler và các cộng sự đã đề xuất phương án thiết kế nhà trên cây thân thiện môi trường và sử dụng năng lượng tự nhiên.
Dự án khách sạn xa hoa tại khu Tây Virginia, Hoa Kỳ lấy ý tưởng từ kiểu nhà trên cây thân thiện với môi trường.
Ý tưởng về những ngôi nhà trên cây mang dáng hình như những viên pha lê của PPA nhanh chóng nhận được sự chấp thuận của khách hàng khi góp phần làm xanh mát hơn vùng núi Appalachian – nơi lâu nay gắn liền với lịch sử khai thác than đá vốn không phải một lĩnh vực thân thiện mấy với môi trường. “Hơn bao giờ hết, concept này đặc biệt hấp dẫn với mô hình du lịch ‘sống chậm’ (slow-living) ở thời điểm hiện tại nhờ việc tái định nghĩa du lịch bền vững và góp phần thu hút du khách thời hậu Covid” – Peter Pichler, người được mệnh danh là “Ông vua nhà trên cây”, chia sẻ.
Ngôi nhà hai tầng sở hữu nền móng xi-măng khiêm tốn, đi cùng cấu trúc tường kính.
Mỗi ngôi nhà thuộc dự án Tree House sở hữu diện tích từ 35-42 mét vuông, trong đó khu vực thư giãn và đọc sách ở tầng trệt được kết nối với phòng ngủ và nhà tắm ở tầng trên bằng cầu thang nội bộ. Toàn bộ công trình xây hoàn toàn bằng gỗ thông và gỗ lãnh sam của địa phương với mặt ngoài nhuộm đen mang lại vẻ hài hòa với môi trường xung quanh. Đóng vai trò “giá đỡ” cho ngôi nhà là lớp nền móng xi măng có kích thước khiêm tốn, đi cùng cấu trúc phụ bằng tường kính. Hình khối của ngôi nhà với mái dốc sắc cạnh được lấy cảm hứng từ chính những rừng gỗ thích, gỗ dương và gỗ sồi.
Thử thách của tương lai
Xuất phát từ nhu cầu có thật của ngành du lịch và quyết tâm theo đuổi phong cách kiến trúc bền vững, đội ngũ PPA hiện đang ấp ủ một dự án mới lấy concept du lịch/cư trú thời hậu đại dịch làm nền tảng. Đó là kiểu nhà trên cây off-grid hoàn toàn có thể hoạt động “tự thân” và có khả năng ứng dụng xây dựng tại bất kì khu vực nào ở vùng núi cao. Hiện thời, tuy chưa thể cụ thể hóa địa điểm xây dựng dự án nhưng quyết tâm lớn nhất của PPA vẫn là việc đưa thiên nhiên vào công trình ở mức tối đa. Trong đó, Peter Pichler sẽ làm việc với các kỹ sư của mình để tính toán hết tất cả các tác động của nguồn vật liệu xây dựng sao cho vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa không ảnh hưởng môi trường.
“Chúng tôi tin rằng tương lai của ngành du lịch phụ thuộc vào mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Kiến trúc bền vững, tôn trọng thiên nhiên càng nhấn mạnh hơn mối quan hệ này”.
(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng 6 mang chủ đề “Destination & Gourmet”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây)