Cùng Robb Report khám phá môn thể thao dành riêng cho giới quý tộc và Hoàng gia.
Trong số các môn thể thao quý tộc, không thể không nhắc đến mã cầu (polo) – môn thể thao của các vị vua. Trong nhiều thế kỷ qua, mã cầu thu hút các thành viên hoàng gia, đặc biệt là Hoàng gia Anh, từ Nữ hoàng Elizabeth, vua George VI, Hoàng tử Philip, Hoàng tử Charles cùng công chúa Anne, Công tước xứ Cambridge, Công tước xứ Sussex…Vì sao môn thể thao trên lưng ngựa có vẻ giống với kiểu luyện tập của các chiến binh hơn là hoạt động thể thao lại có sức hút mạnh mẽ đối với giai tầng thượng lưu đến vậy?
Biên niên sử mã cầu
Quả thực, mã cầu được hình thành dựa trên mục đích huấn luyện quân sự. Là một trong những môn thể thao đồng đội lâu đời nhất, cho đến nay, mã cầu vẫn gây ra nhiều tranh cãi xung quanh nguồn gốc xuất xứ của mình. Hầu hết các nhà sử học tin rằng mã cầu bắt đầu từ khoảng 2.000 năm trước ở Ba Tư khi các chiến binh du mục chơi trò chơi này như một môn thể thao đồng thời cũng nhằm mục tiêu huấn luyện chiến đấu cho các đơn vị kỵ binh, thường là lớp thị vệ bảo vệ vua hoặc các quân đội tinh nhuệ khác.
Trận đấu polo đầu tiên trên thế giới diễn ra tại Ba Tư vào năm 600 trước Công nguyên. Nhưng phải mãi đến tận thế kỷ 19, trò chơi này mới bắt đầu được biết đến trên thế giới và ngày càng thu hút được sự quan tâm của những nhà quý tộc trẻ tuổi. Một trận mã cầu diễn ra với 8 người chơi, 4 người mỗi đội trên một sân rộng 275 m x 145 m, gấp chín lần kích thước của một sân bóng đá, và được chơi trong bảy hiệp, mỗi hiệp kéo dài 7 phút, vào cuối mỗi hiệp, người chơi sẽ đổi ngựa cho nhau để ngựa được nghỉ ngơi. Người chơi ngồi trên lưng ngựa và dùng cây vồ để lấy bóng và đánh vào gôn của đối phương. Do hạn chế về số lượng người chơi và khán giả yêu thích nên các giải mã cầu trên thế giới được tổ chức với sự tham gia của giới thượng lưu và các ngôi sao hạng A.
Cơn sốt mã cầu bắt đầu lan rộng từ Ấn Độ, đổ bộ vào Anh năm 1869 và trở thành một môn thể thao phổ biến và trò tiêu khiển đối với các quân nhân và giới quý tộc xứ sương mù thời bấy giờ. Cơn sốt này kéo dài trong một thập kỷ sau đó và phát triển sang Ireland, Argentina, Úc, và Hoa Kỳ. Ngày nay, các giải đấu polo được tổ chức trên toàn thế giới, nhưng phổ biến nhất là ở Argentina, Trung Quốc, Nam Phi, Anh, Singapore và Hoa Kỳ. Riêng ở Hoa Kỳ, trong năm 1920, mã cầu đã đạt đến đỉnh cao với sự tham dự trung bình của khoảng 30.000 người cho các trận đấu ở Southampton. Sau cuộc Đại suy thoái, mã cầu bắt đầu mất đi sức hút của mình. Cho đến năm 1955, môn thể thao này đã chứng kiến sự hồi sinh ngoạn mục tại Oak Brook. Môn thể thao này được công nhận hơn khi thương hiệu Ralph Lauren tung ra thị trường dòng áo thun cao cấp mới có tên gọi Polo. Với màn ra mắt của Ignacio Figueras, một cầu thủ nổi tiếng thế giới với tư cách là gương mặt đại diện của Ralph Lauren, mã cầu đã gần như đạt đến đỉnh cao một thời. Hiện nay, có hơn 250 câu lạc bộ mã cầu hoạt động ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong số các quốc gia kể trên, Argentina được xem là nơi sinh ra những cầu thủ giỏi nhất thế giới nhờ địa hình gần như hoàn hảo, nguồn cung cấp ngựa dồi dào và các gia tộc giàu có, đặc biệt không thiếu các cầu thủ tài năng – những người gắn đời mình với ngựa ngay từ khi mới chập chững biết đi, và biết đánh bóng ngay từ khi còn rất trẻ.
Cup Westchester – giải mã cầu quốc tế đầu tiên – diễn ra vào năm 1886 với chiến thắng thuộc về người Anh. Kể từ đó, cuộc phân tranh thắng bại giữa hai cường quốc này tiếp tục diễn ra.
Mùa giải mã cầu trên thế giới diễn ra theo lịch trình nghiêm ngặt. Bắt đầu từ mùa giải châu Âu, vào đầu tháng 5, những cầu thủ hay nhất thế giới sẽ đến Anh và sau đó di chuyển đến Pháp và Tây Ban Nha vào tháng 8 trước khi trở lại Argentina vào tháng 9 và đích cuối cùng là Palm Beach (Mỹ) vào tháng 1 của năm sau. Ở châu Âu, mùa chơi từ tháng 1 đến tháng 3 thường khiến cho tất cả bận rộn hơn bởi sự phổ biến ngày càng tăng của snow polo (mã cầu tuyết). Các giải đấu snow polo hiện đang được triển khai ở St Moritz, Courchevel, Kitzbuhel, Klosters, Megeve, Val DiênIsere… Tuy nhiên, cấp độ cao nhất ở châu Âu diễn ra ở Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Mùa giải polo của Anh diễn ra từ tháng 5 đến cuối tháng 7 với Cup Cartier Queen Queen Cup tại CLB Guards Polo gần Windsor và Cúp vàng Veuve Cliquot tại Công viên Cowdray, West Sussex. Sau giải Cúp vàng, người chơi di chuyển sang Deauville hoặc Chantilly, một điểm đến gần Paris, tuy nhiên, giải kỳ vọng của người chơi hiện nay lại là Sotogrande ở Tây Ban Nha.
Ngoài mã cầu tuyết, mã cầu bãi biển cũng đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh với các giải đấu diễn ra ở Bournemouth và Cornwall ở Anh, Sylt ở Đức, Bỉ, Ibiza và Tarifa. Bên ngoài lãnh thổ châu Âu, giải Julius Baer ở Dubai và Beach Polo ở Miami cũng là những giải đấu phổ biến với những dạ tiệc hoành tráng diễn ra sau đó.
Mã cầu ở khu vực Trung Đông đang bùng nổ khi các nhà bảo trợ của Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất tìm cách thu hút những người chơi giỏi nhất thế giới. Tại châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc, nơi chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của lớp người giàu mới nổi, mã cầu đang trở thành môn thể thao được ưa chuộng. Hai câu lạc bộ mã cầu Sunny Time Polo Club ở Bắc Kinh và Nine Dragons Hill Polo Club ở Thượng Hải đang trở thành điểm đến của giới thượng lưu nước này. Tại Việt Nam, sau Giải Polo Từ thiện Việt Nam 2015 diễn ra ở sân golf Long Thành, có vẻ như với giới nhà giàu Việt, đường đến thánh đường mã cầu đẳng cấp quốc tế vẫn còn xa vời vợi.
Về lý thuyết, tài trợ cho các môn thể thao nhiều khi được hiểu là một kiểu bán hàng nài ép. Con số khán giả tại một trận đấu của một giải đấu lớn thường ở mức thấp. Ngay cả một trận chung kết lớn cũng chỉ có thể thu hút 5.000-10.000 người. Vậy tại sao các nhà tài trợ lại muốn đầu tư vào một môn thể thao với lượng khán giả hạn chế như vậy? Chìa khóa nằm ở “chất” của khán giả. Trong mã cầu, ai cũng hiểu được giá trị của lớp khán giả “ít mà chất” này. Họ là những ông trùm của các ngành công nghiệp đầu tàu trên thế giới, chủ nhân của các quỹ đầu tư, đế chế bất động sản, các tập đoàn truyền thông, ngân hàng, công ty vận tải… Thêm vào đó là sự kết hợp giữa các ngôi sao điện ảnh, người mẫu và nhạc sĩ nổi tiếng. Với những thương hiệu xa xỉ muốn tiếp cận lớp khách hàng sộp, có miếng bánh nào ngon hơn cỗ mã cầu này?
Có lẽ, Cartier là thương hiệu gắn bó lâu nhất cùng môn mã cầu, và danh sách các nhà tài trợ đã được bổ sung thêm Rolex, Jaeger Le-Coultre, Piaget, Porsche, Maserati, Audi, BMW, Land Rover… cùng nhiều anh hào khác.