Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) sẽ biểu diễn bản giao hưởng số 3 và bản concerto cuối cùng cho piano và dàn nhạc của thiên tài âm nhạc Ludwig van Beethoven vào ngày 28 tháng 11 tại Nhà hát Thành phố.
Phần đầu của chương trình biểu diễn concerto dành cho piano và dàn nhạc. Tác phẩm còn được gọi là concerto “Hoàng Đế”. Không ai biết vì sao tác phẩm lại được nhận biệt danh này, có thể là do sự hùng vĩ và du dương của giai điệu. Bản thân Beethoven ban đầu dự định dành tặng Giao hưởng số 3 của mình “Eroica”, cho Napoléon Bonaparte, nhưng ông đã rút lại sau khi Napoléon tuyên bố mình là “Hoàng Đế” vào năm 1804. Do đó, hai tác phẩm này cũng có sự liên quan khi được biểu diễn trong cùng một đêm nhạc.
Beethoven mong muốn biểu diễn độc tấu piano cho chính tác phẩm của ông vào ngày công diễn nhưng vấn đề mất thính giác của ông ngày càng trầm trọng nên đã không thể thực hiện được. Thay vào đó, buổi biểu diễn đầu tiên được thực hiện bởi hoàng tử Rudolf, là một người bạn và cũng là học trò piano của Beethoven.
Trong đêm nhạc lần này tại TP.HCM, nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Anh sẽ biểu diễn phần độc tấu cho tác phẩm concerto. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp loại xuất sắc tại Đại học Âm nhạc Freiburg, Đức. Anh vừa trở về Việt Nam cách đây hai tháng và được bổ nhiệm làm trưởng khoa piano tại Học viện Âm nhạc và Biểu diễn Soul.
Hầu hết các nghệ sĩ piano nổi tiếng đều có bản thu âm Concerto Hoàng đế. Glenn Gould đã thu âm cùng với Leopold Stokowski và một bản khác với Kark Ancerl. Nghệ sĩ Claudio Arrau có tổng cộng 4 lần thu âm. Tác phẩm gồm 3 chương. Chương I mở đầu với piano hoành tráng, phần II và III được nối liền với nhau.
Sau giải lao, Giao hưởng số 3 “Anh Hùng” sẽ được biểu diễn trọn phần 2 của chương trình.
“Eroica” được dịch là “Anh hùng”. Khi được tin Napoléon đã tự xưng là “Hoàng đế”, Beethoven đã xé trang đầu tiên của bản nhạc, tức giận thốt lên rằng điều này chứng tỏ Napoléon rốt cuộc là một người có quá nhiều kiêu ngạo và đầy tham vọng.
Bản giao hưởng có phụ đề “sinfonia eroica, được sáng tác để kỷ niệm ký ức về một vĩ nhân.” “Ký ức” được nhắc ở đây ngụ ý rằng Napoléon vẫn còn trong tâm trí Beethoven, nhưng trong quá khứ, thời trẻ, khi còn được xem như một vị cứu tinh cho các quy luật bình đẳng và tự do của Cách mạng Pháp.
Dù thế nào, bản giao hưởng vẫn là một thành tựu phi thường. Đây là một tác phẩm đồ sộ hơn về quy mô, thời lượng, âm vực, và chiều sâu cảm xúc hơn bất kỳ bản giao hưởng nào được viết trước đây, và đã được tôn vinh rộng rãi là bản giao hưởng “Lãng mạn” đầu tiên.
Trong tác phẩm này, Beethoven sử dụng những ý nhạc từ những tác phẩm trước đó, tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng gì đến sự vĩ đại của bản giao hưởng này. Hòa âm hài hòa, độ dài của tác phẩm, và những ý tưởng mới tạo nên sự đặc trưng cho toàn bộ tác phẩm, làm nên một tác phẩm trung tâm cho nền lịch sử âm nhạc.