Tính duy mỹ là yếu tố gắn kết thời trang và nội thất.
Muôn đời nay, loài người vẫn luôn không ngừng kiếm tìm những giá trị vô hình của cái đẹp. Có lẽ, tính duy mỹ là đặc điểm chung dễ nhận thấy giúp gắn kết lĩnh vực thời trang và nội thất, nơi các nhà thiết kế tài ba có vô vàn cơ hội hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo để làm nên những sản phẩm mang vẻ đẹp trường tồn. Và khi đó, ranh giới giữa nội thất và thời trang đã bị xóa nhòa để nhường chỗ cho phong cách sống thời thượng, dù đó là những chiếc gối với họa tiết đầy chất thời trang của Gucci Décor, bộ chén đĩa mang dấu ấn thời trang của Versace hay chiếc ghế huyền thoại Mae West Lips Sofa của Moschino…
Sự gia tăng số lượng các thương hiệu thời trang tại nhiều Triển lãm nội thất danh tiếng thế giới đã cho thấy sức hút đặc biệt của thị trường trị giá 27 tỷ USD vào năm 2020 này theo báo cáo của Allied Market Research.
Cuộc chơi mới của những ông lớn thời trang
Là một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới, Versace đã tiên phong lấn sân sang mảng nội thất kể từ năm 1992 với các bộ sưu tập sản phẩm dành cho không gian sống, từ khăn trải bàn, rèm cửa, vỏ gối và thảm trải sàn cho đến các món đồ nội thất và sản phẩm gia dụng như dao dĩa, chén tách sứ… Tất cả các sản phẩm nội thất mang thương hiệu Versace đều in đậm dấu ấn thời , dù đó là những chiếc đèn với chân đế bằng đá cẩm thạch xám hay những bộ chén đĩa bằng sứ trắng cao cấp họa tiết hoa theo phong cách Baroque. Không dừng lại ở đó, Versace còn tiên phong với khái niệm fashion luxury hotel mà Palazzo Versace Gold Coast ở xứ chuột túi hay Palazzo Versace Luxury Hotel ở Dubai là những ví dụ điển hình.
Armani Casa thuộc thương hiệu thời trang Giorgio Armani gắn với những sản phẩm trang nhã, tối giản nhưng không kém phần sang trọng được thể hiện qua các bộ sưu tập nội thất, phụ kiện, rèm cửa, đồ trang trí mang dấu ấn riêng như mẫu bàn Antoinette độc đáo hay mẫu giấy dán tường từ vải lụa với những họa tiết vỏ sò lạ mắt.
Fendi Casa, một tên tuổi lừng danh khác, cũng hợp tác cùng nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới để tạo ra những dòng sản phẩm nội thất mang dấu ấn của thời trang đương đại với các chi tiết bằng da, lông thú, khóa kéo hay kiểu khâu và thêu tay đặc trưng, từ đèn trang trí cho đến bàn ghế trong nhà và ngoài trời cùng các phụ kiện sang trọng mà chiếc sofa Hampton do nhà thiết kế Toan Nguyen thực hiện là một ví dụ.
Không thể không nhắc đến Hermès Maison với những dòng sản phẩm nội thất hoàn hảo mang đậm dấu ấn thời trang đương đại như mẫu đèn Hermès en Lumìere hợp tác cùng nghệ sĩ người Pháp Yann Kersalé, bộ sưu tập Pippa hợp tác với kiến trúc sư Rena Dumas hay những bộ chén dĩa tuyệt đẹp bằng sứ với họa tiết đặc trưng.
Trong khi đó, các món đồ nội thất của Bottega Veneta gắn với kỹ thuật đan sợi ô vuông huyền thoại trên nhiều chất liệu như kim loại hay nhựa dẻo cùng cách xử lý đặc biệt hai bên lẫn bề mặt mà mẫu ghế quầy bar với bề mặt bằng da được đan lát tỉ mẩn là một ví dụ điển hình. Bên cạnh mảng nội thất cao cấp, Bottega Veneta còn gây tiếng vang với dự án Branded Residence sang trọng Eisenzahn 1 ở Berlin.
Cuộc dạo chơi của những nhà thiết kế thời trang cá nhân
Trong khi những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới với bề dày lịch sử lâu đời sở hữu nguồn lực và quy mô lớn để phát triển mảng nội thất của mình thì các thương hiệu nhỏ hơn cũng đang tìm cách tham gia vào sân chơi hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức này thông qua việc hợp tác với các nhà sản xuất đồ nội thất tên tuổi hay các nhà bán lẻ.
Đó là màn hợp tác giữa Raf Simons, cựu giám đốc sáng tạo của Christian Dior, với thương hiệu dệt Kvadrat của Đan Mạch để cho ra đời bộ sưu tập vải độc đáo, bao gồm những mẫu vải mang đầy hơi thở thời trang như Argo, Sunniva 2, Herald 2…. Là cuộc “hợp hôn” giữa Alexander Wang và Poltrona Frau để tung ra bộ sưu tập bao gồm hai mẫu ghế lười beanbag và một quầy bar di động ấn tượng.
Màn hợp tác giữa một thương hiệu lâu đời hướng đến lớp khách hàng khó tính và một nhà thiết kế hướng đến lớp khách hàng trẻ tuổi hơn – những người không hẳn quan tâm đến các tính năng, mà thích một thứ gì đó mang tính sáng tạo cùng vẻ đẹp của thời trang – đã làm nên thành công cho bộ sưu tập chứa đầy triết lý cách tân này. Wang còn được biết đến với cách sử dụng vật liệu sáng tạo như da nhám thuộc lấy từ thân cá đuối – loại vật liệu mà Poltrona Frau trước đây chưa từng sử dụng.
Trong khi đó, Jean Paul Gaultier bắt tay cùng Roche Bobois và thương hiệu dệt Lelièvre để cho ra đời những bộ sưu tập nội thất hoàn hảo với sọc xanh và trắng cùng các chi tiết màu đỏ, thể hiện niềm đam mê của nhà thiết kế đối với chủ đề hàng hải. Bộ sưu tập nội thất của Roberto Cavalli không chỉ hiện diện ở Anh nhờ nỗ lực của nhà bán lẻ Kings of Chelsea, mà còn tung hoành ở Dubai và Mỹ. Tháng 5/2016, Habitat ra mắt bộ sưu tập trong khuôn khổ hợp tác với House of Holland, còn Iittala của Phần Lan hợp tác với nhà thiết kế Issey Miyake để tung ra các dòng sản phẩm nhắm đến thị trường châu Âu và Mỹ.