Thập niên 1900
Bước vào thế kỷ mới, trang phục của quý ông cũng bắt đầu một phong cách mới. Dù tóc vẫn ngắn, ria mép vẫn dài và được uốn cong lên đôi chút, nhưng chiếc áo frock coat (áo khoác dáng dài) phổ biến thời Victoria và Edward đã được thay thế bằng chiếc áo sack coat hay lounge coat.
Complê ba mảnh bao gồm áo khoác suông dáng rộng (sack coat một hàng cúc) và áo ghi-lê (hai hàng cúc) đồng màu cùng quần có màu tương phản, hoặc sack coat và quần đồng màu với áo ghi-lê màu tương phản. Quần dài đến mắt cá với lai gập. Khoảng trống giữa quần và giày được che lấp bằng lớp bao chân (gaiters hoặc spats).
Thập niên 1910
Complê với áo sack coat ngày càng phổ biến, và người ta không còn thấy bóng dáng của chiếc áo frock coat. Trang phục trang trọng trở nên thoải mái và dễ mặc hơn. Áo ghi-lê một hàng cúc đi kèm móc xích dành cho đồng hồ quả quýt, áo sơ-mi cổ wing, và cả nơ cổ. Mũ vải lụa vẫn là món phụ kiện không thể thiếu trong trang phục của quý ông thuộc tầng lớp thượng lưu. Mũ fedora và mũ flat straw boater được sử dụng rộng rãi hơn trước, trong khi mũ Panama phù hợp cho các chuyến đi. Quý ông thuộc mọi tầng lớp, đặc biệt tầng lớp lao động và trung lưu, thường đội mũ bê-rê.
Thập niên 1920
Có hai giai đoạn riêng biệt trong suốt thập niên này. Vào đầu thập niên 1920, những chiếc áo jacket cực ngắn được ưa chuộng, thường được kết hợp với thắt lưng. Ve áo jacket có bản hẹp vì các quý ông thường cài lật lên cao. Phong cách này được cho là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi trang phục nhà binh từ Thế chiến thứ I. Quần được may theo kiểu ống hẹp, thẳng và ngắn, do đó để lộ một phần tất ra bên ngoài.
Vào khoảng năm 1925, kiểu quần rộng hơn bắt đầu thịnh hành, trong khi áo jacket quay trở lại với kiểu dài hơn, ve áo rộng hơn. Ống tay áo rộng cũng bắt đầu được chú ý trong giai đoạn này. Trong suốt nửa cuối thập niên 1920, áo ghi-lê hai hàng cúc – thường được kết hợp với áo jacket một hàng cúc – cũng trở nên rất phổ biến.
Thập niên 1930
Đây được xem là thập niên của điện ảnh. Nhiều phong cách phô trương hơn bắt đầu xuất hiện và mọi người đều muốn được giống như các ngôi sao điện ảnh. Vào đầu thập niên này, Frederick Scholte – thợ may của Hoàng tử xứ Wales – đã làm khuynh đảo thế giới thời trang nam với mẫu complê “drape cut” hay “London Drape”. Mẫu complê mới này có cấu trúc mềm mại và linh hoạt hơn so với mẫu thiết kế của thế hệ trước; các chi tiết như phần vải bổ sung ở cầu vai và dưới nách áo, lớp đệm lót nhẹ, ống tay áo thụng hơn được vuốt nhọn ở cổ tay… đã tạo nên những đường gấp làm tôn vóc dáng của người mặc.
Kiểu quần rộng ống đứng mà nam giới thường mặc vào thập niên 1920 bắt đầu được vuốt nhọn phía dưới lần đầu tiên vào năm 1935, và được hưởng ứng nồng nhiệt bởi các ngôi sao Hollywood như Fred Astaire, Cary Grant, và Gary Cooper.
Thập niên 1940
Vào đầu thập niên 1940, các thợ may Hollywood đã cường điệu trang phục này đến mức như tranh biếm họa, tạo hình nhưng gã khổng lồ, trùm mafia bằng những bộ complê có lót ngực dày cộp, cầu vai lớn đi cùng những chiếc quần rộng thùng thình. Giới văn nghệ sĩ và những nhân vật tiên phong về thời trang đã tìm đến kiểu trang phục nổi loạn nhất: zoot suit với thắt lưng cao, quần ống bó (rộng ở phần hông và đùi, hẹp dần xuống tới cổ chân) và áo khoác dài.
Thập niên 1950
Sau Thế chiến thứ II, cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường. Giờ là lúc mọi người chú ý hơn đến việc ăn mặc, nhất là trong những dịp lễ quan trọng. Complê nam thường có hai hàng cúc với cấu trúc vai rộng. Khi chính sách thắt lưng buộc bụng sau cuộc chiến đã được nới lỏng, quần complê được thiết kế rộng hơn với phần lai gập. Tại Mỹ, các quý ông xuất hiện trong trang phục có cầu vai rộng, ve áo rộng cùng điểm nhấn ở những phụ kiện táo bạo.
Các thợ may ở Savile Row giới thiệu “New Edwardian Look” với kiểu áo jacket hơi loe, vai tự nhiên, kết hợp với mũ quả dưa và áo khoác ngoài thanh mảnh cổ nhung và gấu gập. Theo sau dòng áo suit coat là những chiếc áo sport coat. Chất liệu vải Tartan (kẻ ô vuông) được ưa chuộng vào đầu thập niên này. Quần màu khaki, hay còn được gọi chino, được mặc vào các dịp ngẫu hứng.
Đây là thời kỳ hồi sinh của Savile Row. Các thành viên ban nhạc The Beatles, quý ngài Sean Connery, Michael Caine…chỉ là một vài trong danh sách rất nhiều ngôi sao nổi tiếng được nhìn thấy diện những bộ complê Savile Row.
Complê Savile Row được đặt theo tên con số Savile Row ở Mayfair, Luân Đôn, Anh. Con phố này được biết đến với kỹ thuật may đo truyền thống dành cho nam giới, nơi khách hàng thường xuyên bao gồm những nhân vật có ảnh hưởng lớn như Lord Nelson, Winston Churchill, Jude Law…
Uy tín của Savile Row được xây dựng dựa trên kỹ thuật may bespoke, trong đó mỗi bộ complê đều được cắt may riêng theo yêu cầu và phom dáng cụ thể của từng khách hàng. Từ “bespoke” mà chúng ta thường sử dụng ngày nay trong lĩnh vực may đo cao cấp được cho là có nguồn gốc từ Savile Row với hàm nghĩa complê được cắt may hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Thập niên 1970
Là giai đoạn quan trọng đối với lĩnh vực thời trang nói chung, thập niên 1970 được xem là kỷ nguyên của tự do, của sự pha trộn của màu sắc và nhiều phong cách khác nhau, từ phong cách dân tộc, dân gian, hippie, thể thao, quân đội, safari, disco, unisex cho đến punk. Và sự đa dạng này được thể hiện rõ trên những bộ complê nam, được thể hiện qua màu sắc, kiểu cổ áo và phom dáng quần mang hơi hướng phong cách disco. Đây cũng chính là giai đoạn tỏa sáng của các nhà thiết kế người Ý và cả sự xuất hiện của complê ba mảnh.
Một trong những nhân vật tiêu biểu cho giai đoạn này David Bowie – một nghệ sĩ lập dị với phong cách vô cùng đa dạng. Ông chính là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều nhà thiết kế nổi tiếng. Trong khi một số người say mê thời đại này bởi tinh thần tự do và sự cuồng nhiệt điên rồ thì số khác lại chỉ trích vì nó phá vỡ các quy tắc sống và gọi thập niên này là “kỷ nguyên của những điều tồi tệ”. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta đã được tự do mặc những gì mình muốn.
Thập niên 1980
Đây là thập niên của chủ nghĩa đơn giản. Thương hiệu Armani đã “giải cứu” nam giới khỏi những bộ complê có đệm lót và cả những lớp lót dưới áo jacket, đồng thời sử dụng những chất liệu vải rũ như lanh để tạo ra những chiếc quần mềm mại như quần pijama. Trong giai đoạn này, trang phục làm việc của nam giới chứng kiến sự quay trở lại lần đầu tiên của complê kẻ sọc kể từ thập niên 1970. Tuy nhiên, kiểu kẻ sọc mới này to bản hơn nhiều so với thập niên 1930 và 1940. Complê ba mảnh gần lỗi mốt vào đầu thập niên này và phần ve áo complê có thiết kế bản rất hẹp, tương tự như kiểu ve áo của thập niên 1950.
Thập niên 1990
Theo nhiều người, đây là những năm tháng tồi tệ nhất trong lĩnh vực thời trang may đo complê. Màu sắc tẻ nhạt, những bộ complê rộng lùng thùng và chẳng nói lên được điều gì về phong cách cá nhân. Sự ám ảnh với công nghệ tối giản và phương pháp tiếp cận thông minh hơn trong lĩnh vực thời trang đã làm xuất hiện một xu hướng màu mới là “bất kỳ màu gì miễn nó có màu đen tuyền”. Chịu ảnh hưởng bởi các nhà thiết kế như Helmut Lang và Comme des Garcons, những bộ complê vừa với phom dáng, quần bót sát, áo sơ-mi trắng và cà vạt đen mảnh là những trang phục thường thấy trong giai đoạn này. Áo jacket có cài cúc cũng trở nên phổ biến.
Thập niên 2000
Thập niên của dị tính luyến ái với xu hướng quan trọng hóa và chăm chút nhiều đến vẻ bề ngoài. Được mô tả là thập kỷ của “lai ghép”, các xu hướng thường thấy là sự kết hợp của nhiều phong cách của những thập niên trước, giữa trang phục toàn cầu và bản địa, cũng như thời trang của các tiểu văn hóa dựa trên âm nhạc, đặc biệt là nhạc indie pop. Vào đầu thập niên 2000, complê hầu như không còn được chú trọng ngoại trừ các dịp lễ đặc biệt như đi nhà thờ, phỏng vấn xin việc, cưới hỏi, tang lễ… Nhưng vào cuối thập niên này, các xu hướng thời trang bắt đầu thịnh hành trở lại.