Loại vải xa xỉ này đang có nguy cơ biến mất. Vì sao?
Cashmere luôn gợi lên hình ảnh của những chiếc khăn quàng cổ đắt tiền được làm từ lông lấy từ phần bụng của những con dê sinh sống trên khắp các thảo nguyên ở Mông Cổ với khâu xử lý bằng các kỹ thuật và kỹ năng được mài giũa qua nhiều thế kỷ. Và dù sản phẩm may mặc từ chất liệu sang trọng này đã trở nên dễ tiếp cận hơn trong những năm gần đây, chẳng hạn như chiếc áo khoác giá 75 USD của Naadam hoặc những mẫu áo len chui cổ màu kẹo ngọt trong các cửa hàng đại chúng, nhưng chi phí sản xuất vẫn cao hơn bao giờ hết. Zud – có nghĩa là Bạch phong mao được người Mông Cổ sử dụng để chỉ mùa đông nghiệt ngã đầy tuyết lạnh khiến một số lượng lớn vật nuôi chết chủ yếu do đói và rét – đã đe dọa ngành công nghiệp lâu đời này.
Thực tế cho thấy một nghịch lý: tác động tiêu cực của thời tiết khắc nghiệt đến sản lượng và chất lượng cashmere, trong khi giá bán nguyên liệu thô lại lao dốc và nhu cầu sở hữu các sản phẩm từ cashmere lại tăng cao.
Đầu tiên hãy nói về nhu cầu. Theo Bain & Co., việc cashmere chiếm gần 7% trong tổng số 71,2 tỷ USD của ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu được coi là vấn đề hơn là cơ hội khi sản lượng thu hoạch lông từ mỗi con dê chỉ là 4 ounce sợi thành phẩm. Nông dân đã tăng cường nhân giống số đàn dê để đáp ứng thị trường với khoảng 29 triệu con dê ăn cỏ trên thảo nguyên hiện nay, gấp gần 5 lần con số của 30 năm trước. Việc gia tăng chăn nuôi như vậy có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy ngay cả với những đồng cỏ do chăn thả quá mức, trong khi 90% lãnh thổ Mông Cổ là những địa hình khô hạn và đặc biệt dễ bị sa mạc hóa. Mông Cổ là một điểm nóng về biến đổi khí hậu, nơi nhiệt độ đã tăng 4 độ kể từ năm 1940 so với mức tăng trung bình toàn cầu khoảng 1,5 độ.
Tất nhiên, sự biến đổi khí hậu này đe dọa chính hệ sinh thái mà các đàn dê đang phụ thuộc – và đây chính là vấn đề nghiêm trọng thứ hai. Hai thách thức này được tạo ra bởi mức giá lao dốc của nguồn cashmere thô. Thật khó để đảm bảo sự công bằng về thương mại cho những người chăn nuôi thông qua chuỗi cung ứng ọp ẹp của ngành công nghiệp cashmere vốn khuyến khích hộ gia đình chăn nuôi hợp tác với các trung tâm chế biến nhỏ và sau đó tìm đến các nhà máy nước ngoài – nơi có rất ít mối liên hệ với người chăn nuôi cách nửa vòng trái đất. Bên cạnh đó là áp lực của đại dịch: sau khi đạt mức giá cao nhất mọi thời đại vào năm 2019, giá cashmere thô đã giảm mạnh gần một nửa vào mùa xuân này, chỉ còn 9 USD mỗi pound. Thế nên Gobi Cashmere, nhà máy lớn nhất Mông Cổ, đã sa thải 10% nhân viên, trong khi đó, nhiều thương hiệu đã hủy đơn đặt hàng và chỉ cầm chừng dựa vào nguồn dự trữ hiện có thay vì mua thêm len khiến cho nguồn cung cashmere trở nên dư thừa. Đây chỉ là những vấn đề ở Mông Cổ. Ngày nay, thế giới đang chứng kiến sự hiện diện của ngành công nghiệp sản xuất cashmere khổng lồ xuyên biên giới ở Trung Quốc với rất nhiều thách thức liên quan đến đạo đức kinh doanh, từ kiểu chăn nuôi theo hình thức công nghiệp tại các trang trại quy mô lớn cho đến các nguy cơ về rủi ro gian lận.
Hai nhà điều hành lâu năm của ngành công nghiệp cashmere cảnh báo về nguy cơ thường xuyên xảy ra khi các nhà sản xuất Trung Quốc cho ra đời loại cashmere cao cấp của mình bằng lông lạc đà tẩy trắng hoặc len merino siêu mịn. Một trong các nhà điều hành này gọi họ là “những bậc thầy trong việc pha trộn sợi”. Rõ ràng, nhu cầu về tiêu chuẩn sợi là rất cần thiết. Một loạt chương trình hướng đến các chuẩn mực vàng đang được triển khai để giải quyết vấn đề hóc búa này. Chương trình đầu tiên được vận hành bởi Liên minh Sợi bền vững (Sustainable Fibre Alliance – SFA) có trụ sở tại Vương quốc Anh. Trong số 45 thành viên của Liên minh này có Burberry và Johnstons of Elgin, một trong những nhà máy và nhà cung cấp hàng đầu ở Scotland cho các công ty như Brora. “Có một quy tắc thực hành xoay quanh việc quản lý đồng cỏ và phúc lợi động vật mà những người chăn nuôi phải thuộc nằm lòng”, Simon Cotton, Giám đốc điều hành của Johnstons, nói về chứng nhận của SFA nhằm mục đích giúp cải thiện chất lượng lông dê đồng thời giúp mang lại tình trạng ổn định cho các đồng cỏ. Năm nay, lần đầu tiên 80 tấn sợi thô được sản xuất với chứng nhận của SFA. Simon tự hào cho rằng nguồn sợi thô này được giao dịch ở mức cao hơn 10% so với giá thị trường. Nhưng sản lượng thu được là một con số rất nhỏ, do tổng năng lực sản xuất hàng năm của Mông Cổ là 9.400 tấn.
Người mua hàng cũng chưa thể biết liệu một mặt hàng nhất định có được làm từ vải cashmere đã được SFA xác minh hay không, mặc dù liên minh này cho rằng các thương hiệu thành viên có thể quảng cáo sản phẩm được chứng nhận – làm từ tối thiểu 33% lượng sợi được chấp thuận – trong năm sau. Tổ chức phi lợi nhuận này có kế hoạch ra mắt hangtag kiểu Woolmark. Ngược lại, nếu bước vào một cửa hàng Hugo Boss vào cuối năm nay, bạn có thể chọn một chiếc áo được sản xuất theo Tiêu chuẩn Good Cashmere Standard.
Aid by Trade Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Đức cùng với một số đối tác nhỏ hơn như Boss và Lacoste, là pháp nhân vận hành chứng nhận Good Cashmere Standard. Quy trình này hoạt động ở cấp cơ sở, bao gồm việc cử các đội xác minh trực tiếp đến hiện trường; vào đầu năm nay, họ đã cách ly trong đại dịch để họ có thể hoàn thành việc kiểm tra các hoạt động phúc lợi động vật, môi trường và xã hội ở Mông Cổ.
Chứng nhận của tổ chức này được trao theo hai cấp độ – mức cao cấp bao gồm hệ thống truy cứu DNA được phát triển bởi công ty Thụy Sĩ Haelixa. Một chất lỏng vô hình được phun vào len thô tại các trạm thu mua, ngay sau khi lông dê được chải sạch; những sợi này sau đó có thể được theo dõi trong suốt quá trình sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống này có một nhược điểm lớn: nó chỉ hoạt động tại các trang trại công nghiệp ở Trung Quốc và không có kế hoạch mở rộng quy trình xác minh cho một lượng lớn người chăn nuôi ở biên giới Mông Cổ, nơi cashmere là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu.