Dù mới manh nha hình thành, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng-dưỡng lão hạng sang có nhiều tiềm năng để “bung lụa” dù hiện tại được coi là khá hẹp.

Khi tìm kiếm thông tin về mô hình bất động sản nghỉ dưỡng-dưỡng lão cao cấp dành cho giới cao niên giàu có trên thế giới, người viết bài này đã “lạc bước” vào cộng đồng hưu trí lớn nhất thế giới ở nước Mỹ – The Villages.

Đối với nhiều người, The Villages mang đến cảm giác hệt như một thiên đường không tưởng. Ở đó, những cụ ông, cụ bà trong độ tuổi xưa nay hiếm đang tận hưởng những ngày cuối đời theo một cách không thể nào lý tưởng hơn. Họ chơi polo, đánh golf, mua sắm, khiêu vũ, bơi lội, thưởng thức nhạc vũ kịch… trong một không gian nghỉ dưỡng đặc quyền với vô vàn tiện ích. Sở hữu diện tích 32 dặm vuông, tức lớn hơn diện tích Manhattan, The Villages bao gồm 78 khu phố lớn nhỏ với 54 sân golf, 69 hồ bơi, 3.000 câu lạc bộ, bệnh viện riêng, 14 khu chợ, 11 công viên dành cho chó, sân chơi polo, và thậm chí cả một tờ báo riêng chỉ đưa những tin tức tốt lành, một đài phát thanh chỉ phát các bản hit từ những năm 50 và 60.

The Villages - khu phố dưỡng lão cao cấp
The Villages bao gồm 78 khu phố lớn nhỏ với 54 sân golf, 69 hồ bơi, 3000 câu lạc bộ, bệnh viện riêng, sân polo…

Hình ảnh những cụ ông, cụ bà này khiến tác giả bài viết nhớ lại câu chuyện của một quý cô 7X thành đạt. Từng đảm đương vị trí cao cấp trong một tập đoàn công nghệ đa quốc gia, cô gái này chọn công việc làm niềm vui với lịch trình công tác, họp hành kín mít. Không có ý định lập gia đình, cô tận hưởng cuộc sống của một nữ doanh nhân thế hệ mới với kế hoạch tài chính cá nhân bài bản. Theo đó, cô quyết định nghỉ hưu sớm, còn khoản tiền tích lũy sau thời gian “cày cuốc” được chia thành nhiều gói – gói dành cho những chuyến du lịch khắp thế giới, gói nữa cho việc đầu tư vào cổ phiếu hoặc bất động sản, và gói còn lại dành cho bảo hiểm sức khỏe, trong đó có một khoản được hoạch định cho tuổi già tại các cộng đồng dưỡng lão cao cấp mà người Mỹ vẫn thường gọi là “luxury senior living communities”.

Xu hướng “Sóng thần bạc” và những mô hình cộng đồng dưỡng lão cao cấp trên thế giới

Xu hướng Silver Tsunami – thuật ngữ chỉ làn sóng già hóa dân số – đang diễn ra trên tất cả các khu vực và quốc gia với tốc độ khác nhau. Tại Hoa Kỳ, số người trên 65 tuổi hiện chiếm 16,5% trong dân số 329 triệu dân, tương đương 54 triệu người. Vào năm 2030, con số này sẽ tăng lên 74 triệu. Ở châu Á – Thái Bình Dương, số người cao tuổi được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 630 triệu người vào năm 2020 lên khoảng 1,3 tỷ người vào năm 2050. Tại Trung Quốc, theo dữ liệu dân số mới nhất, số cư dân từ 60 tuổi trở lên đã tăng 47% trong thập kỷ qua, lên 264 triệu người, tức hơn 18% tổng dân số cả nước – cao hơn mức trung bình 9,1% của thế giới.

Chính xu hướng này đã kéo theo tốc độ tăng trưởng của thị trường cộng đồng dưỡng lão với mức tăng dự kiến từ 189,3 tỷ USD vào năm 2020 lên 285,1 tỷ USD vào năm 2025, tương đương tốc độ 8,5%. Điều này cũng đồng nghĩa với tốc độ phát triển các cộng đồng hưu trí/viện dưỡng lão trên khắp thế giới, trong đó phân khúc hướng đến giới cao niên giàu có chiếm vị trí quan trọng. Dù thực tiễn tại một số quốc gia là khác nhau – ví dụ tỷ lệ người trên 65 tuổi chọn sống tại các cộng đồng dưỡng lão ở Anh là 1% so với hơn 6% ở Mỹ và 5% ở Úc – thì nhu cầu này vẫn đang không ngừng tăng lên tại các thị trường khác, đặc biệt là ở châu Á-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ được xem là thị trường sôi động nhất thế giới dành cho cộng đồng cao niên với hình mẫu lý tưởng là The Villages vốn được mở cửa vào đầu thập niên 1980 ở Florida và thu hút giới cao niên giàu có từ 50 bang nước Mỹ cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu bên cạnh một loạt cộng đồng dưỡng lão cao cấp khác như Sunrise @ East 56th, Watermark thuộc khuôn viên một khách sạn 16 tầng hay The Residences at Turner Hill ở Massachusetts. Chi phí hàng tháng tại các cộng đồng hưu trí cao cấp này dao động trong khoảng từ 8.000-20.000 USD, chưa bao gồm phí y tế đắt đỏ. Tại châu Á – Thái Bình Dương, phân khúc này đang bắt đầu bùng nổ.

dưỡng lão cao cấp

Theo các chuyên gia trong ngành, châu Á sẽ chứng kiến nhiều hơn những “ngôi làng hưu trí” dành cho người cao tuổi thuộc giới trung và thượng lưu vì thế hệ người trẻ giàu có ở châu Á đang lập kế hoạch cho quá trình già hóa của mình theo một cách tích cực hơn so với thế hệ cũ. Ở Trung Quốc, các nhà phát triển bất động sản như Sino-Ocean Group, Vanke và Poly Real Estate đã tham gia sân chơi này từ nhiều năm trước và hình thành mô hình độc đáo của riêng họ. Chỉ trong vòng một thập kỷ kể từ năm 2009, Vanke đã hoàn thiện khoảng 50 dự án cộng đồng dưỡng lão tại 13 thành phố lớn ở Trung Quốc, trong đó có Vanke Suiyuan ở Bắc Kinh. Năm 2017, Vanke bắt tay với tập đoàn Banyan Tree Holdings để phát triển dự án dành cho người cao tuổi giàu có ở Trung Quốc. Lendlease Corp Ltd., nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Sydney, đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Ardor Gardens – viện dưỡng lão cao cấp ở Thượng Hải, nơi một căn hộ hai phòng ngủ có giá cho thuê tới 220.000 USD trong 15 năm.

Ở Thái Lan, các làng hưu trí cao cấp tại nhiều điểm đến như Phuket, Koh Samui và Chiang Mai đang thu hút ngày càng nhiều người giàu bản địa cũng như người cao tuổi giàu có từ nhiều nước trên thế giới. Cuối năm 2016, nhà phát triển bất động sản Sunplay Bangsaray đã ra mắt The Heights – cộng đồng nghỉ dưỡng-dưỡng lão cao cấp tọa lạc gần các sân golf, câu lạc bộ du thuyền, bệnh viện. Trong khi đó, Kamala Senior Living thuộc khu phức hợp MontAzure sang trọng nằm dọc theo bãi biển Kamala của Phuket thu hút giới cao niên trong và ngoài nước bằng phong cách sống nghỉ dưỡng với các tiện ích cao cấp như chăm sóc y tế, câu lạc bộ bãi biển, quán bar, nhà hàng, cửa hàng mua sắm, spa…

Malaysia cũng đang thu hút người về hưu châu Á bằng việc xây dựng các làng dưỡng lão cao cấp như GreenAcres ở Ipoh, một nơi nổi tiếng với thiên nhiên trong lành và thức ăn ngon.

Những làng dưỡng lão cao cấp theo mô hình quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Số liệu của Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình cho thấy Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho thấy, đến năm 2038, nhóm người trên 60 tuổi tại nước ta sẽ chiếm tới 20% tổng dân số, tương đương hơn 21 triệu người. Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng-dưỡng lão vẫn là một khái niệm khá mới mẻ, chưa được đón nhận tích cực bởi đại đa số người dân nên việc phát triển mô hình nhà ở này còn hạn chế. “Một thách thức khác đối với mô hình nhà ở này là sự kết nối với các dịch vụ y tế khi cần thiết. Nếu giải quyết được hai thách thức trên thì mô hình này sẽ có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.” – bà Dung chia sẻ cùng Robb Report Việt Nam.

Trong vài năm gần đây, nhiều thương hiệu phát triển bất động sản đã tìm cách vượt qua các thách thức này để kiến tạo nên những không gian dưỡng lão đáng mơ ước. Bên cạnh một số mô hình viện dưỡng lão nhắm đến phân khúc khách hàng cao tuổi thuộc giới trung lưu như Diên Hồng, OriHome, Thiên Đức, Từ Tâm S Merciful…, nhiều nhà phát triển bất động sản tên tuổi đã bắt đầu tham gia sân chơi mới đầy thách thức này. Tập đoàn Ecopark vừa ra mắt Meraki Residences, dự án căn hộ dưỡng lão 5 sao được kỳ vọng trở thành hình mẫu mới về lối sống chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi ở Việt Nam với dịch vụ chăm sóc sức khỏe 24/7 nhờ chương trình hợp tác cùng bệnh viện Top 5 tại Tokyo cũng như các gói sức khỏe thăm khám định kỳ. Ngoài ra, cư dân còn được tham gia các chương trình đào tạo chăm sóc sức khỏe về dinh dưỡng chuyên sâu, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi và các dịch vụ tùy biến dành riêng cho người cao tuổi…

Phối cảnh Viện dưỡng lão nghỉ dưỡng Phương Đông Asahi. - dưỡng lão cao cấp
Phối cảnh Viện dưỡng lão nghỉ dưỡng Phương Đông Asahi.

Một mô hình viện dưỡng lão cao cấp khác đang thu hút sự quan tâm của thị trường là Phương Đông Asahi thuộc Tổ hợp Y tế Phương Đông của “cá mập” Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intracom. Kinh nghiệm và trải nghiệm sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường đã thôi thúc vị doanh nhân này nghiên cứu các mô hình cộng đồng dưỡng lão cao cấp trên thế giới để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng-dưỡng lão cao cấp chuẩn Nhật Bản nhằm mang lại trải nghiệm toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần cho người cao tuổi ở Việt Nam. Với vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, quy mô 7.000m², 7 tầng nổi, 2 tầng hầm, Phương Đông Asahi được thiết kế bởi Raymond và vận hành bởi Tsubasa – hai công ty danh tiếng hàng đầu Nhật Bản từng triển khai thiết kế và vận hành hàng nghìn dự án quy mô lớn trên khắp thế giới.

Thuộc Tổ hợp Y tế Phương Đông, bao gồm Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, Trung tâm ung bướu, Trung tâm công nghệ cao, Viện đào tạo, Khách sạn…, Phương Đông Asahi là dự án viện dưỡng lão có quy mô lớn nhất tại thủ đô và cũng là viện dưỡng lão tư nhân duy nhất tại Việt Nam gắn với hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ, cao cấp. Toàn bộ máy móc, trang thiết bị cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ và nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước tiên tiến, đảm bảo mang đến trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ nghỉ dưỡng tối ưu. Đội ngũ nhân viên của Viện dưỡng lão Phương Đông Asahi đều được đào tạo bài bản và chuyên sâu, phục vụ theo đúng tinh thần “Omotenashi” chuẩn Nhật; 100% phòng nghỉ dưỡng đều hướng sáng tự nhiên, từng chi tiết trong phòng đều được chăm chút tỉ mỉ nhằm mang lại sự thoải mái nhất cho người thụ hưởng. Phòng VIP được thiết kế như một căn hộ 5 sao đa chức năng mang tính cá nhân hóa cao nhưng vẫn đảm bảo sự tinh tế. Đặc biệt, Phương Đông Asahi còn tích hợp các tiện ích giải trí cao cấp lần đầu tiên có mặt tại Hà Nội như khu onsen trong nhà, ngoài trời, chuỗi phòng xông chuẩn Nhật Bản, các khu vực spa, làm đẹp, vật lý trị liệu kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, thể thao, giải trí, nghệ thuật… để mang đến cho người cao tuổi một cuộc sống an nhiên. “Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho người cao tuổi, một khái niệm mới về viện dưỡng lão – nơi con cháu báo hiếu các bậc sinh thành.” – ông Việt chia sẻ.


(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 10 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Home Is Where The Heart Is”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây.)