Thị trường nghệ thuật trực tuyến được dự báo sẽ đạt doanh số 9.58 tỷ đô-la vào năm 2020
Theo báo cáo mới nhất mang tên The Hiscox Online Art Trade Report 2016 của Hiscox, hãng bảo hiểm nghệ thuật, thị trường nghệ thuật trực tuyến đang bùng nổ. Với sự xuất hiện của nhiều platform trực tuyến, doanh số bán hàng nghệ thuật trực tuyến đã tăng 24% trong năm 2015, lên mức 3.27 tỉ USD so với mức 2.64 tỷ USD của năm 2014 và dự báo sẽ cán mốc 9.58 tỷ vào năm 2020. Theo báo cáo này, thị trường nghệ thuật trực tuyến vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, bất chấp sự trì trệ của thị trường truyền thống nói chung trong năm qua.
Ngoài ra, dữ liệu của Invaluable cũng cho thấy rằng gần 44% người mua dưới 65 tuổi chuộng kiểu mua bán trực tuyến hoặc qua các mạng xã hội phổ biến như Facebook hay Instagram.
Kỷ nguyên trực tuyến
Xu hướng này đang khiến các hãng đấu giá truyền thống tên tuổi như Sotheby’s và Christie’s quyết định đầu tư vào các platform trực tuyến, trong khi nhiều tân binh khác lại có xu hướng hợp nhất để tạo ra sức mạnh như cuộc hợp hôn của Paddle 8 – một trang web đấu giá do Damien Hirst và Jay Jopling đầu tư – và Auctionata, trang web có phần góp vốn của tỷ phú Bernard Arnault, hoặc thương vụ bắt tay giữa AXA Art và Collectrium, trang web thuộc sở hữu của Christie’s, trong nỗ lực khai thác thị trường nghệ thuật ở châu Á. Kết quả kinh doanh của ArtAndOnly, một trang web bán các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến, cũng cho thấy xu hướng này khi lượng khách hàng đến với trang web không ngừng tăng lên từ khắp châu lục thay vì từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ như trước. Giờ đây, trang web này đã thu hút được hơn 10,000 nhà sưu tập và các tín đồ nghệ thuật đăng ký.
Khoảng 49% người tham gia khảo sát cho rằng mình đã thực hiện các giao dịch trực tuyến trong năm 2015, tương đương với mức của năm trước. Con số người mua và nhà sưu tập mới các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến cũng ngày càng tăng lên. 19% người mua dưới 35 tuổi nói rằng họ mua tác phẩm nghệ thuật đầu tiên qua mạng so với mức 15% của năm 2015. Tuy nhiên, phần lớn người mua hiện hữu coi thị trường nghệ thuật trực tuyến như là một kênh giải pháp để thâu tóm tác phẩm hơn là công cụ thay thế. Christie’s thông báo mức giảm sút 5% trong doanh số đấu giá vào năm 2015, và mặc dù doanh số bán hàng trực tuyến tăng 11%, mức tăng trưởng của hãng này vẫn thấp hơn mức 69% trong năm 2014 trong khi doanh số của Heritage Auction là $344 triệu trong năm 2015 so với mức $356.9 triệu của năm 2014. Điều này cho thấy rằng sự suy giảm của thị trường nghệ thuật có thể ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của thị trường nghệ thuật trực tuyến. Tuy nhiên, những platform như Auctionata và Paddle8 cho thấy mức tăng trưởng gấp đôi trong doanh số bán hàng so với năm 2015.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của các platform đấu giá trực tuyến như Invaluable với mức tăng trưởng 60% trong năm 2015 cho thấy rằng các hãng đấu giá nhỏ lẻ truyền thống đang ngày càng có xu hướng chuyển sang mô hình trực tuyến.
Điểm bùng phát
Sự chi phối của điện thoại di động đối với cuộc sống con người chính là “điểm bùng phát” tạo nên sự sôi động của thị trường nghệ thuật trực tuyến. Báo cáo của comScore xuất bản vào tháng Ba 2015 cho thấy rằng việc sử dụng các thiết bị di động bởi những người trưởng thành ở Mỹ đã tăng từ 19 phút/ngày trong năm 2008 lên 171 phút vào năm ngoái, tức tăng trưởng 800% so với 7 năm qua.
Bên cạnh đó, một báo cáo của BI Intelligence chỉ ra rằng tới năm 2020, thương mại điện tử bằng điện thoại di động sẽ chiếm tỷ trọng 45% thương mại điện tử nói chung, tương đương $284 tỷ đô-la doanh thu.
Chắc chắn xu hướng này cũng đang bắt đầu tác động đến cách thức tìm kiếm và quyết định mua tác phẩm nghệ thuật trực tuyến của khách hàng và phần lớn các platform trực tuyến đều thích nghi nhanh chóng với xu hướng tiêu dùng đang phát triển này. Dữ liệu của Invaluable cho thấy 45% lượng truy cập trang web của công ty này đến từ điện thoại di động, và 15% doanh số của Invaluable đến từ ứng dụng điện thoại di động. Artsy cũng nhận thấy lượng truy cập trang web từ điện thoại di động và ứng dụng điện thoại di động tăng ba lần trong năm qua. Ba thương vụ được hoàn thành với giá cao ngất ngưởng trong năm 2015 đến từ ứng dụng điện thoại di động của Artsy, bao gồm doanh số $1.4 triệu đến từ ứng dụng iPad của Artsy.
Các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Instagram, cũng tác động đáng kể đến doanh số bán hàng của các đơn vị kinh doanh tác phẩm nghệ thuật, tăng 31% so với mức 24% trong năm 2015. Các galery cũng áp dụng chiến lược marketing qua mạng xã hội để tang doanh số bán. Đối với người mua, Instagram cho thấy sức hấp dẫn hơn cả với 34% người được hỏi lựa chọn mạng xã hội này vào năm 2015, trong khi mức này vào năm 2016 là 48%.
Còn bạn, chỉ cần ngồi nhâm nhi ly cà phê latte nóng hổi và check in qua Instagram, có thể chỉ sáng mai thôi khi ngủ dậy, bạn đã sở hữu một bức tranh trị giá bằng cả gia tài.