Bây giờ người ta đi học hay đi lao động ở nước ngoài, động cơ đã khác nhiều. Tất nhiên, chuyện mưu sinh để làm sao đạt hiệu quả kinh tế cao nhất được đặt lên hàng đầu…
Cho đến ngày đất nước thống nhất, ở ta tuyệt chưa có thị trường để người lao động sang nước khác làm việc. Tại miền Bắc, ngoài một số chuyên gia (thường ở lĩnh vực giáo dục hoặc nông nghiệp) đi công tác nước ngoài tương đối dài hạn, thì những người trẻ thuần túy đi học.
Hồi ấy, du học sinh phần lớn tới Liên Xô, lác đác sang một số nước Đông Âu bè bạn. Đấy là những thanh niên xuất sắc cả về tài năng và nhân cách. Họ thường khá giống nhau, cho dù xuất xứ có thể ở nông thôn hoặc thành thị. Đều khôi ngô thông minh trong sáng, bừng bừng một nhiệt huyết lý tưởng cao cả. Các chàng thường là “soái ca”, là thần tượng của lớp của trường. Nhiều nữ sinh thầm yêu họ lắm. Có nàng thức suốt đêm thêu chữ lồng khó đoán vào khăn mùi xoa, bẽn lẽn dấm dúi tặng chàng.
Ở những ngày trong trắng cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, khi từng đoàn thanh niên nam nữ nườm nượp đi “hợp tác lao động quốc tế”, lần đầu ngơ ngác tới sân bay thì cũng đã xác tín, cứu mình cứu nhà rồi sẽ thêm phần cứu nước. Thật dễ hiểu khi thấy nghìn nghịt người chen vai thích cánh trước cửa “cục hợp tác” để mong cầm tấm giấy phép đi ra nước ngoài kiếm việc. Ai nấy mặt mũi hân hoan khi nghĩ về tương lai. Bởi qua lời kể của người đi trước thì ở “thiên đường” Đông Âu, nơi tràn ngập những bàn là nồi áp suất và xe đạp xe máy giá rẻ, chắc chắn sẽ thay cơ đổi vận. Tất nhiên, khi sang tới nơi, mọi chuyện bỗng không thế. Nó cũng lầm lũi phức tạp giống hệt như bây giờ thôi. Đồng lương tuy có dư, nhưng ướt đẫm nước mắt và mồ hôi. Đấy là chưa kể sự hụt hẫng buồn tủi từ những thói quen văn hóa.
Có lẽ vì thế mà những người “xuất khẩu lao động” đều khá thương nhau. Họ thành lập những hội đồng hương tương trợ như “hội” Nghệ Tĩnh hay Hải Phòng. Rất nhiều mối tình đã thành duyên chồng vợ. Hiếm hoi cũng có bạn kết hôn với người nước ngoài, một điều giờ đây đã thành trào lưu rầm rộ. Thành ngữ khét tiếng một thời ở Hà Nội “xe đạp không khóa để Bờ Hồ”, có đau xót ám chỉ việc cho vợ hoặc người tình đi xuất khẩu lao động.
So với phụ nữ, đàn ông thường “số đỏ” hơn. Thời bao cấp, cứ nhìn các chàng vừa lao động từ nước ngoài về là biết ngay. Tóc dài, quần loe, da nhợt, túi sơ-mi lấp lánh vài tờ tiền chẵn. Khá đông thiếu nữ Hà thành ở những khu vất vả kiểu Minh Khai hay Phúc Tâm đã lưỡng lự liêu xiêu khi phải lựa chọn giữa người yêu với một chàng vừa từ Đông Âu về có của hồi môn lúc lắc vài thùng hàng. Cuối cùng, hầu hết các nàng đều chọn chàng có thùng.
Thời gian bóng câu qua cửa, thu nhập hôm nay của người lao động xuất khẩu đã dồi dào hơn xưa. Nhưng những hụt hẫng văn hóa liệu có phôi pha bớt.
Cho đến ngày đất nước thống nhất, ở ta tuyệt chưa có thị trường để người lao động sang nước khác làm việc. Tại miền Bắc, ngoài một số chuyên gia (thường ở lĩnh vực giáo dục hoặc nông nghiệp) đi công tác nước ngoài tương đối dài hạn, thì những người trẻ thuần túy đi học.
Hồi ấy, du học sinh phần lớn tới Liên Xô, lác đác sang một số nước Đông Âu bè bạn. Đấy là những thanh niên xuất sắc cả về tài năng và nhân cách. Họ thường khá giống nhau, cho dù xuất xứ có thể ở nông thôn hoặc thành thị. Đều khôi ngô thông minh trong sáng, bừng bừng một nhiệt huyết lý tưởng cao cả. Các chàng thường là “soái ca”, là thần tượng của lớp của trường. Nhiều nữ sinh thầm yêu họ lắm. Có nàng thức suốt đêm thêu chữ lồng khó đoán vào khăn mùi xoa, bẽn lẽn dấm dúi tặng chàng.
Ở những ngày trong trắng cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, khi từng đoàn thanh niên nam nữ nườm nượp đi “hợp tác lao động quốc tế”, lần đầu ngơ ngác tới sân bay thì cũng đã xác tín, cứu mình cứu nhà rồi sẽ thêm phần cứu nước. Thật dễ hiểu khi thấy nghìn nghịt người chen vai thích cánh trước cửa “cục hợp tác” để mong cầm tấm giấy phép đi ra nước ngoài kiếm việc. Ai nấy mặt mũi hân hoan khi nghĩ về tương lai. Bởi qua lời kể của người đi trước thì ở “thiên đường” Đông Âu, nơi tràn ngập những bàn là nồi áp suất và xe đạp xe máy giá rẻ, chắc chắn sẽ thay cơ đổi vận. Tất nhiên, khi sang tới nơi, mọi chuyện bỗng không thế. Nó cũng lầm lũi phức tạp giống hệt như bây giờ thôi. Đồng lương tuy có dư, nhưng ướt đẫm nước mắt và mồ hôi. Đấy là chưa kể sự hụt hẫng buồn tủi từ những thói quen văn hóa.
Có lẽ vì thế mà những người “xuất khẩu lao động” đều khá thương nhau. Họ thành lập những hội đồng hương tương trợ như “hội” Nghệ Tĩnh hay Hải Phòng. Rất nhiều mối tình đã thành duyên chồng vợ. Hiếm hoi cũng có bạn kết hôn với người nước ngoài, một điều giờ đây đã thành trào lưu rầm rộ. Thành ngữ khét tiếng một thời ở Hà Nội “xe đạp không khóa để Bờ Hồ”, có đau xót ám chỉ việc cho vợ hoặc người tình đi xuất khẩu lao động.
So với phụ nữ, đàn ông thường “số đỏ” hơn. Thời bao cấp, cứ nhìn các chàng vừa lao động từ nước ngoài về là biết ngay. Tóc dài, quần loe, da nhợt, túi sơ-mi lấp lánh vài tờ tiền chẵn. Khá đông thiếu nữ Hà thành ở những khu vất vả kiểu Minh Khai hay Phúc Tâm đã lưỡng lự liêu xiêu khi phải lựa chọn giữa người yêu với một chàng vừa từ Đông Âu về có của hồi môn lúc lắc vài thùng hàng. Cuối cùng, hầu hết các nàng đều chọn chàng có thùng.
Thời gian bóng câu qua cửa, thu nhập hôm nay của người lao động xuất khẩu đã dồi dào hơn xưa. Nhưng những hụt hẫng văn hóa liệu có phôi pha bớt.
Ảnh chính: “Đêm giao thừa bên Hồ Gươm” (1957), Nguyễn Tư Nghiêm