Norbert Stumpfl – kẻ kiến tạo tài ba đưa Brioni, biểu tượng thời trang Ý và thế giới đạt đến những đỉnh cao mới.
Norbert Stumpfl đứng trên hàng hiên sân thượng gần quảng trường Piazza Navona của thành Rome vào một ngày mùa hè nóng như thiêu đốt, dõi cặp mắt tinh tường của một nhà thiết kế khi chiêm ngưỡng cảnh quan thành cổ. “Rome đầy nét mỹ cảm”, bậc thầy sáng tạo gốc Áo trong làng thời trang, đồng thời cũng là người đã sinh sống nhiều năm ở cả London lẫn Paris, thừa nhận.
Tuy nhiên, Norbert nhận thấy rằng nét ấn tượng của những kỳ quan cổ đại dường như đã trở nên nhạt phai đôi chút: “Chúng không thực sự thay đổi nhiều”. Rốt cuộc, cũng không sai khi chốn này không mang danh xưng Thành phố vĩnh cữu.
Bản chất bất biến có thể được xem như điểm nhấn riêng của thủ đô nước Ý, nhưng Stumpfl đã tạo nên sự thay đổi chấn động đối với ít nhất một biểu tượng tại thành Rome này. Kể từ khi đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo của Brioni vào năm 2018, ông đã thẳng tay gạt đi những tượng đài của ngành may đo phong cách Ý và từng bước chậm rãi, nhưng chắc chắn thổi làn gió mới vào thương hiệu này.
Thay vì chỉ cần đơn giản xé bỏ mọi đường kim và xây dựng lại thiết kế mà không cần suy nghĩ về vị trí của những mũi chỉ ấy trong lịch sử, như một trong những người tiền nhiệm của ông đã vật lộn làm theo để rồi gây ra hậu quả thảm khốc, ông lại trung thành với việc cố gắng khôi phục thương hiệu với nét thanh lịch đặc trưng vẫn hòa nhập với thời đại mới.
“Tôi muốn đổi mới và tiếp tục phát triển câu chuyện, bởi theo tôi, vẫn còn rất nhiều điều đợi ta ở đó”, nhà thiết kế 44 tuổi, người từng giúp hồi sinh những dòng quần áo nam tại Lanvin và Balenciaga, chia sẻ. Với giọng trầm khàn và gần như bị át bởi tiếng ồn ào của những con phố bên dưới, Stumpfl có thể tỏ ra dè dặt nhưng trong dáng hình ấy lại đầy ắp sự can trường đáng nể. Ở thời điểm mà giày sneaker và áo hoodie có giá nghìn đô đang là tâm điểm của ngành thời trang xa xỉ như hiện nay, những trang phục chỉnh tề, kín kẽ hơn lại thể hiện vị thế riêng.
Những thiết kế của ông vốn là sự kết hợp giữa tay nghề thủ công thượng thừa và phong thái giản dị, thoải mái, thu hẹp khoảng cách ngày càng rộng giữa những cửa hàng may đo truyền thống và những trang phục trên sàn diễn, là tiếng nói cất lên từ cả hai thế giới mà không cần phải thỏa hiệp. Từ những bộ suit hai hàng khuy hơi hướng uyển chuyển của những bộ đồ ngủ cho đến những chiếc áo sơ-mi safari được cắt may hoàn hảo bằng vải đan chéo sang trọng – tất cả đều được các nhà phê bình đánh giá cao đồng thời thu hút một lượng lớn khách hàng mới.
Norbert Stumpfl: “Tôi khá trầm lắng và truyền thống nhưng ở khía cạnh khác cũng đầy táo bạo”.
Brioni được nhiều người biết đến khi những nhân vật quyền lực thế giới đều khoác lên mình những bộ âu phục hoàn hảo của hãng. Tuy nhiên, Stumpfl nhận thức rõ rằng, ngày nay, quyền lực không hề được định nghĩa bằng bộ suit vai dây thừng (roped shoulder) và cách thắt cà-vạt truyền thống kiểu Windsor. Mặc dù phải thừa nhận rằng thiết kế may đo tinh tế luôn và sẽ là kim chỉ nam của Brioni, nhưng ông vẫn cho biết, “Tôi không muốn thấy mình giậm chân tại chỗ ở thời điểm nào đó trong tương lai, khi thời trang phát triển và phong cách sống của khách hàng đã đổi thay”.
“Tất cả đều liên quan đến sự sang trọng toát ra từ cái tôi cá nhân, thứ mà mọi người không nhìn thấy nhưng lại mang đến cho bạn cảm giác thoải mái”, Stumpfl mô tả cả phong cách riêng và tầm nhìn của ông đối với thương hiệu.
Stumpfl làm việc tại Brioni sau khi nhà mốt trải qua một thời kỳ đặc biệt khó khăn. Vào năm 2012, hậu duệ của những người sáng lập thương hiệu đã bán nó cho Kering, tập đoàn sở hữu những nhãn hiệu nổi tiếng lâu đời như Gucci và Balenciaga. Sau đó, trong vòng 5 năm, bốn nhân vật quan trọng đã ngồi vào vị trí giám đốc thiết kế của Brioni, để rồi kết quả đạt được chỉ là sự hớ hênh và gây sốc. Justin O’Shea – một nhà thiết kế chưa có nhiều kinh nghiệm và chuyên phong cách đường phố đồng thời cũng là người đã được trao quyền vào năm 2016 – đã chọn Metallica làm hình ảnh đại diện trên poster cho phiên bản Brioni cách tân đầy chất rock.
Trong nhiệm kỳ của mình, O’Shea đã cố gắng định hình lại hoàn toàn thương hiệu trong một “trò chơi” cường điệu hóa của thế hệ Milennial: Logo chữ thắt gút cổ điển được thay thế bằng phông chữ Gothic buồn tẻ, những cửa hàng ốp gỗ được chuyển thành đá cẩm thạch phong cách Instagram, và quần áo thì mang vẻ lai hợp cho người những gã xấu xa hơn là các vị tổng thống quyền lực (hãy tưởng tượng đến sự kết hợp của áo sơ-mi sa tanh đỏ, áo khoác cá sấu và những chi tiết bằng lông sóc sinsin). Brioni “mới” này chỉ tồn tại được sáu tháng, nhưng cuộc “chuyển hóa” này đã cho mọi người thấy khủng hoảng về tính nhận diện mà thương hiệu đang gặp phải.
Brad Pitt, hiện là gương mặt đại diện nhãn hàng, nói rằng Brioni trong kỷ nguyên Stumpfl mới thực là Brioni. Sau nhiều năm lịch sự từ chối những đề xuất của thương hiệu, nam diễn viên đã quay trở lại sau khi thấy hướng đi mới của Stumpfl và ủy quyền thiết kế một bộ tuxedo bespoke cho chính mình. Pitt tiếp tục hợp tác với Stumpfl trong BP Signature, bộ sưu tập capsule cho mùa Xuân 2021, bao gồm những thiết kế yêu thích của nam tài tử như áo khoác với chất liệu lụa bóng mờ, một chiếc polo bằng len cashmere, vốn chính là điểm nhấn cách tân trong tổng thể bộ âu phục mà Brad Pitt đã diện khi lên nhận giải “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” tại sự kiện Oscar 2020 – và mang đến cho nhà thiết kế một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất kể từ khi tiếp quản nhà mốt.
Xuyên suốt buổi chụp hình cho chiến dịch quảng bá bộ sưu tập này, trợ lý của Pitt đã mời Stumpfl vào phòng thay đồ của nam diễn viên. Pitt nói với tôi rằng: “Khi mặc bộ Brioni này, tôi vừa thấy đẹp và cảm giác cũng vô cùng tuyệt vời. Tôi chỉ muốn cảm ơn vì anh đã tạo ra chúng”. Stumpfl đã bật khóc.
Ông bắt đầu học may lúc 13 tuổi, phần vì thuận tiện và sự yêu thích công việc này. Cùng với việc tự may những bộ vest để mặc đến trường, Stumpfl bắt đầu thần tượng những thiết kế của Helmut Lang và Jil Sander. Sau khi chuyển đến New York để trau dồi vốn tiếng Anh (và lẻn xuống Manhattan để vui chơi), Stumpfl đến London để theo học tại Central Saint Martins, một trường thiết kế có sức ảnh hưởng lớn trong ngành.
“Một trong những điều đầu tiên khiến tôi phải kinh ngạc đó là khi đứng trước tủ quần áo của Norbert. Nó thật hoàn hảo”, nhà thiết kế Daphne Karras, người đã gặp Stumpfl khi họ còn là sinh viên và là vợ anh trong 14 năm qua, tâm sự. “Anh ấy luôn sở hữu gu hiện đại cổ điển; ngay từ khi mới gặp, tính thẩm mỹ ấy đã luôn hiện diện trong anh”.
“Sự sang trọng toát ra từ cái tôi cá nhân là thứ không nhìn thấy nhưng mang đến cho bạn cảm giác thoải mái”.
Stumpfl nói rằng ông luôn say mê “sự sang trọng tột cùng”. Ông vẫn đeo chiếc Pasha đó và đã bổ sung thêm những chiếc đồng hồ đắt giá khác vào bộ sưu tập của mình, chẳng hạn như chiếc Audemars Piguet Royal Oak đời đầu và chiếc đồng hồ bấm giờ Heuer của thập niên 60. Tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa tối giản, ông tập trung sắm sửa những món đồ dùng được dài lâu, từ những chiếc ghế Arne Jacobsen đến những chiếc máy in thạch bản của Ellsworth Kelly. Chính nỗi ám ảnh về chất lượng này đã đưa ông đến với Brioni, với cương vị khách hàng trước khi ông biến nhà mốt trở thành nhà mình.
Ngay từ đầu, khả năng may đo tinh xảo của Stumpfl đã khiến ông nổi bật so với những người bạn cùng trang lứa. Khi còn ở trường Saint Martins, nhà thiết kế quá cố Alexander McQueen đã mời Stumpfl may vá các trang phục cho những buổi diễn lừng lẫy của ông.
Ngay sau khi tốt nghiệp năm 2005, Stumpfl đã được mời vào vị trí giám đốc sáng tạo của Lanvin. Ông rời Lanvin vào năm 2014 để đầu quân cho Balenciaga trong nhiệm kỳ của Alexander Wang. Sau hai năm, Wang rời đi và Stumpfl làm việc trong một thời gian ngắn với Demna Gvasalia, sau đó chuyển đến Louis Vuitton dưới sự chỉ đạo của Kim Jones. Tiếp đó là quá trình cộng tác chưa đầy 1 năm với Haider Ackermann tại Berluti. Ông cũng đã từ chối nhiều lời đề nghị hợp tác nhưng khi Brioni gọi đến, lời mời ấy giống như một định mệnh.
Được thành lập vào năm 1945, Brioni là tên tuổi tiên phong trong lĩnh vực thời trang nam, đặc biệt đáng chú ý nhất với show diễn đầu tiên do người mẫu nam trình diễn vào năm 1952. Họ mặc kệ những luật lệ hà khắc của ngành và cho phép nam giới thoải mái tận hưởng thú vui thời trang. Báo chí vào thời điểm đó đã tuyên bố Brioni là Dior của nam giới, sức ảnh hưởng của nhà mốt lan rộng như thuở thương hiệu Pháp quốc cho ra mắt bộ sưu tập New Look dành cho phái nữ. Được coi là biểu tượng về địa vị cũng như tầm ảnh hưởng của các quý ông trong xã hội, Brioni luôn là sự lựa chọn hàng đầu không chỉ của các tài tử Hollywood, mà còn cả những nhà lãnh đạo thế giới, chủ nhân của giải Nobel, các triệu phú,…những người đàn ông có tầm ảnh hưởng nhất, không phân biệt ngôn ngữ, lĩnh vực.
“Để kiến tạo nên lịch sử, bạn phải là người dám nghĩ dám làm.”
Không chỉ dẫn lối nhà mốt đi đúng hướng, Stumpfl còn chèo lái để đưa con thuyền này đến những bến bờ mới. Khi tiến hành thử đồ cho khách hàng may đo cao cấp tại London vào năm ngoái, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy những chàng trai trẻ mới 19 tuổi tìm đến thương hiệu thay vì những nhân vật quyền lực mà ông vẫn luôn hình dung. Càng ấn tượng hơn nữa khi hàng loạt những người phụ nữ thành đạt đã mua sắm ở Brioni kể từ khi Stumpfl nắm quyền.
Chính sự khiêm nhường của Stumpfl đã mang đến cho Brioni vẻ nhẹ nhàng và hiện đại. “Có hai thái cực trong con người tôi”, nhà thiết kế mỉm cười chia sẻ. “Tôi khá trầm tính và truyền thống, nhưng ở khía cạnh khác, tôi lại khá điên rồ”.
Minh chứng cho tính lập dị của Stumpfl được thể hiện qua bộ lễ phục mạ vàng 24 karat mà Leslie Odom Jr. đã mặc tại Lễ trao giải Oscar năm nay. Theo Stumpfl, chính trang phục tuxedo phá cách là thứ đầu tiên đưa Brioni lên bản đồ thời trang: “Để kiến tạo lịch sử, bạn phải dám nghĩ dám làm”.
“Tôi muốn mọi người nhận ra một người đàn ông mặc trang phục Brioni khi đang dạo bước trên đường phố. ‘Ồ, anh ấy trông thật tuyệt’, nhưng họ lại không biết đó là Brioni”, ông chia sẻ điều mà những giám đốc điều hành phụ trách tiếp thị ở khắp mọi nơi sẽ coi là báng bổ. Ông trung thành với phong cách tinh tế và ưa chuộng loại trang phục mà chỉ người mặc mới hiểu được đỉnh cao đến từ đâu. “Những người này không cần phải nói rằng họ đang trong thế giới Brioni – họ không chọn chúng tôi vì điều đó”.
(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 10 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Bất động sản”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây)
KHÁM PHÁ NGAY TOP 10 BÀI HAY TRÊN ẤN PHẨM ROBB REPORT VIETNAM SỐ THÁNG 10 “BẤT ĐỘNG SẢN”
Xu hướng sở hữu văn phòng tại gia giữa thiên nhiên
Bạn có muốn sở hữu một căn nhà-lai-du-thuyền sang trọng để trốn dịch?
Dấu ấn thời trang tại Milan Design Week 2021
Khi các tân binh ngoại đạo chinh phạt thị trường bất động sản hàng hiệu
Chủ tịch Viện Tương lai học Jason Schenker: “Covid-19 sẽ tạo nên xu hướng hybrid working life”
Trò chuyện với quý ông đầy “chất nghệ” Lâm Vissay
Tuyệt tác bằng sapphire trong thế giới đồng hồ cao cấp
Hồi sinh kiệt tác Jaguar C-type từng “làm mưa làm gió” một thời
“Ngôi nhà” của Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette đã mở cửa đón khách