Trong những năm gần đây, phái nam đã trở nên thoải mái hơn với những món trang sức tưởng chừng là nữ tính như vòng ngọc trai hay huy hiệu đính đá. Tuy vậy, có một điều khá lạ là chính món trang sức nam tính nhất trong lịch sử - chiếc nhẫn signet - lại dường như bị lãng quên. Lý do bởi vì nhiều người vẫn quan niệm rằng chỉ những thành viên của tầng lớp quý tộc với phù hiệu riêng mới có quyền sở hữu những biểu tượng quyền lực.

Một thiết kế nhẫn signet từ nhà kim hoàn lâu năm Rebus. Alvin Nguyen.

“Từ thời Ai Cập cổ đại, những chiếc nhẫn signet đã là đặc quyền của vua chúa, là minh chứng cho danh tính và địa vị của chủ nhân,” Henry Deakin, Giám đốc điều hành Deakin & Francis – một trong những xưởng kim hoàn lâu đời nhất tại Anh Quốc – cho biết. “Qua thời gian, từ chỗ là công cụ pháp lý, chúng đã trở thành biểu tượng quyền lực và phụ kiện thời trang, thể hiện địa vị của gia tộc hoặc cá tính của từng người." Vì lí do đó mà mặt nhẫn signet được khắc phù hiệu của gia tộc.


“Thông thường thì khi khách hàng đặt chế tác nhẫn signet, chúng tôi sẽ tra cứu tên họ của người ấy để tìm ra phù hiệu của gia tộc,” ông Deakin chia sẻ thêm. “Tuy nhiên ngày càng nhiều khách hàng muốn tạo ra huy hiệu mang ý nghĩa riêng cho chính mình.”

Thợ kim hoàn tại Deakin & Francis đánh bóng nhẫn signet.

Rachel Constantine – cố vấn thiết kế cho thương hiệu kim hoàn Rebus – kể rằng bà từng hỗ trợ một cặp uyên ương thiết kế nhẫn signet đôi. Họ đã yêu cầu mặt nhẫn khắc hình một chú tê giác đang ăn củ cải, và một bộ xương cốt tựa mình vào lưng con vật. Theo lời của hai người, thiết kế độc đáo này mang ý nghĩa tượng trưng cho những ngày đầu trong mối quan hệ của họ.


“Chúng tôi muốn bảo tồn truyền thống chế tác món trang sức đặc biệt này, và cũng rất hứng thú với những ý tưởng thiết kế mới.” Constantine còn cho biết thêm rằng trong số khách hàng đặt nhẫn signet tại Rebus, chỉ khoảng 60% người có sẵn phù hiệu gia tộc.


Trong lịch sử, người ta thường đeo nhẫn signet vào ngón út của tay không thuận. Lí do vô cùng đơn giản: hình khắc trên mặt nhẫn từng được dùng để in hình phù hiệu lên sáp niêm phong. Nhưng giờ đây, cũng khá nhiều người đeo nhẫn signet vào ngón áp út. “Có người mỗi ngón lại đeo một chiếc,” Constantine chia sẻ. Món phụ kiện này cũng đang được nữ giới đón nhận nhiệt tình, và đang dần trở thành món quà phổ biến trong những dịp trọng đại trong đời như lễ tốt nghiệp, đám cưới, hay sinh nhật.

Thiết kế nhẫn signet in phù hiệu truyền thống của Deakin & Francis.

Trước đây, nhẫn signet từng là đặc quyền của giới quý tộc, nhưng những doanh nghiệp như L’Arte Nascosta đang dần thay đổi nhận định đó. Hợp tác cùng nhiều xưởng trang sức lâu năm, L’Arte Nascosta là nền tảng thương mại nơi khách hàng có thể đặt chế tác những món phụ kiện như nhẫn “Ellenistico” được thiết kế trong khuôn khổ hợp tác cùng thợ kim hoàn nổi tiếng Paolo Penko. Được làm từ bạc hoặc vàng hồng 18K, những chiếc nhẫn được thiết kế thô với hình in được khắc bằng kỹ thuật cổ truyền của văn hoá Etruscan cổ đại.


“Nét đẹp của thiết kế đến từ sự thô sơ mộc mạc của chúng,” Salvatore Ambrosino – CEO và nhà sáng lập của L’Arte Nascosta – cho biết. “Hơn thế nữa, đây là một món phụ kiện linh hoạt, bạn có thể đeo lúc mặc suit hay áo thun.”
Thiết kế Ellenistico gợi lại những chiếc nhẫn signet thời La Mã cổ đại.

Theo Ambrosino, thay vì quá lo lắng về phù hiệu, những tín đồ phụ kiện có thể coi hình in trên mặt nhẫn như những biểu tượng mang tính cá nhân, như bùa hộ mệnh của chính mình vậy. “Chiếc nhẫn có thể tượng trưng cho nhiều tầng ý nghĩa, và điều tuyệt vời là bạn có thể truyền lại những giá trị đó cho thế hệ sau,” ông chia sẻ thêm. Và đó là nguồn gốc của vật gia truyền.