Lịch sử của Wayfarer
Thú vị thay, từ “wayfarer” có nghĩa là những người đi bộ, nhưng ngày nay, người ta chỉ biết nó là tên gọi của một kiểu kính mát. Và thêm một ngạc nhiên khác, vài thập kỷ trước, mẫu mắt kính này từng bị ngưng sản xuất vì doanh thu giảm sút. Dành cho thương hiệu Baush & Lomb (công ty mẹ của Ray-Ban) vào năm 1956, nhà thiết kế Raymond Stegeman đem tới một làn gió mới, một phong cách khác biệt so với những mẫu kính khung kim loại cổ điển thời bấy giờ.
Theo tài liệu sáng chế của Raymond, mẫu kính đầu tiên của Wayfarer có hình dáng rất khác với những gì người tiêu dùng hiện đang nhìn thấy. Gọng hình thang đặc biệt của chúng lúc bấy giờ trông giống như đôi mắt mèo thay vì vuông vức như hiện nay. Đây từng được xem là một phong cách vô cùng nam tính, phù hợp với trào lưu thẩm mỹ “phản văn hóa” đề xướng bởi Bob Dylan. Tiếp nối phong trào hiện đại giữa thế kỷ thứ 20, chúng trở nên phổ biến và được đặc biệt chú ý vào những năm 1950 và 1960. Được lựa chọn bởi nhiều biểu tượng thời trang, phong cách này càng lan truyền nhanh chóng trong giới mộ điệu. Và theo thời gian, hình dạng khung kính có những thay đổi và bị cóp nhặt bởi nhiều nhà sản xuất khác nhau.
Tuy nhiên, thập niên 70 chứng kiến sự tuột dốc thảm hại về doanh số của Wayfarer đến nỗi họ phải quyết định tạm ngừng sản xuất. Trong vòng 10 năm tiếp theo, Wayfarer bắt đầu lặng lẽ cải tiến về hình dáng để chuẩn bị cho một cuộc trở lại ngoạn mục. Năm 1981, bộ phim The Blues Brothers ra mắt cùng với sự xuất hiện của dàn diễn viên trong phim và tất cả đều đồng loạt đeo kính. Như một cú hích văn hóa, Ray-Ban bán được 18.000 cặp kính Wayfarer vào năm đó. Nếu để ý kĩ, chúng ta có thể thấy hai nhân vật chính không đeo cùng một loại Wayfarer. Dan Akroyd trong vai Elwood chọn phong cách gọng mắt mèo cạnh vuông trung thành với phiên bản gốc, còn John Belushi trong vai Jake diện cặp kính mặt nghiên và gọng bo tròn – kiểu thịnh hành ngày nay.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc tích hợp quảng bá truyền thông cho sản phẩm, công ty này đã đầu tư 50.000 đô-la Mỹ để quảng cáo Wayfarer trong những bộ phim Hollywood và những chương trình truyền hình nổi tiếng nhất. Chỉ trong vòng nửa thập kỷ, những cặp mắt kính này đã xuất hiện trong hơn 60 bộ phim. Năm 1983 đánh dấu một bước ngoặt lớn với 300.000 chiếc kính được bán sau khi góp mặt trong bộ phim Risky Business. Chỉ trong vòng ba năm sau, doanh thu đã đạt con số không ai ngờ nổi là 1,8 triệu mắt kính. Tại chính thời điểm này, Wayfarer mang một thiết kế nghiêng mới tên là panascopic. Phần mắt không thẳng đứng mà nghiêng về phía trước một cách khá rõ rệt, đối với một số gương mặt, thiết kế này trở nên quá táo bạo.
Thật không may, đầu những năm 1990, mẫu Wayfarer một lần nữa lại chứng kiến sự tuột dốc với nhiều cạnh tranh. Chẳng hạn như ý tưởng kính mát nhựa của thương hiệu như Oakley, nhà sản xuất này đã giới thiệu mẫu kính ôm sát dành cho các vận động viên hoặc người yêu thích thể thao. Năm 1999, Bausch & Lomb quyết định bán thương hiệu Ray-Ban cho tập đoàn khổng lồ từ Ý Luxottica Group với giá 640 triệu đô-la Mỹ. Năm 2001, họ đã cải tiến những thiết kế khá quan trọng của Wayfarer, ví dụ như sử dụng chất liệu nhựa dẻo đúc khuôn thay vì chất liệu acetate như trước. Khung kính nhỏ hơn và ít góc cạnh hơn để người đeo có thể gác chúng lên đỉnh đầu khi không cần dùng tới. Thêm nữa, đa số các mẫu Wayfarer mới hiện nay hầu như vuông vắn hơn so với những mẫu ban đầu có hình dạng như cặp mắt mèo.
Việc kinh doanh trở nên khá khẩm hơn và Ray-Ban thường xuyên cải tiến phát triển các thiết kế mới trong nhiều năm kế tiếp. Ngày nay, Wayfarer chính là phong cách kính mát được yêu chuộng bậc nhất trên thị trường. Không chỉ có nhà Ray-Ban, mẫu kính này tạo một sức ảnh hưởng lên nhiều nhiều nhà sản xuất mắt kính khác trên toàn thế giới. Bạn có thể mua được một cặp kính râm hình dáng Wayfarer với giá thành bắt đầu chỉ vài đô la Mỹ, cho đến con số vài nghìn đô.
Cách đeo Wayfarer
Wayfarers phù hợp với hầu hết các kiểu mặt, nhưng không phải tất cả. Lí do chính nằm ở hình dáng của chiếc kính, đôi khi còn do màu sắc hay kính thước đối lập với màu da hoặc kích thước đầu của người đeo. Nói đến các hình dáng của gương mặt, Wayfarer thường phù hợp với các kiểu mặt dài, trái xoan, hoặc tròn.
Đen là một trong những màu sắc nguyên bản của cặp kính này, tuy nhiên không phải lúc nào màu đen cũng thực sự phù hợp với tất cả mọi thứ. Màu kính mát đen có thể gây tương phản với màu da, nhất là nên tránh sử dụng với các tông màu da sáng hoặc trung bình. Tóm lại, hãy trung thành với màu đen khi diện những bộ trang phục đơn giản thường ngày, con nếu bạn thích một chút đặc biệt phá cách thì hãy thử một cặp kính họa tiết đồi mồi. Nếu bạn có gương mặt phù hợp với Wayfarer, hãy sắm cho mình thêm nhiều phiên bản màu sắc khác nhau. Nhưng hạn chế sử dụng những gọng kính màu trắng hoặc màu sắc sặc sỡ khi đang diện phong cách cổ điển (vintage).
Nên tránh đeo kính Wayfarer cùng trang phục công sở, nhưng bạn trông sẽ phóng khoáng và phá cách hơn khi kết hợp cùng với phong cách lịch lãm để dạo phố. Vì sự đơn giản trong thiết kế, đây là loại kính mát khá linh hoạt, đặc biệt với trang phục đi biển, thể thao hay du lịch. Dù bạn đang mặc chiếc áo polo hay sơ mi, quần tây hay quần chino, Wayfarer có thể đồng hành cùng bạn trong nhiều sự kiện khác nhau.
Cách mua Wayfarer
Mỗi cặp kính kiểu Wayfarer trông sẽ rất khác nhau khi đeo trên gương mặt của bạn. Bạn có thể mua được một cặp Wayfarer với giá tốt nhất trên mạng, nhưng đôi khi sẽ phải hối tiếc khi kính không vừa vặn với gương mặt mình, và sẽ phải bỏ thêm tiền để chỉnh sửa hoặc thậm chí phải trả lại. Kiểu dáng kính này cũng có nhiều tùy chọn cho người đeo như là kích thước tròng kính, độ nghiêng, hoặc độ dày của gọng kính cũng có thể quyết định sự phù hợp của nó trên gương mặt. Chúng tôi khuyên bạn nên thử kính tại một cửa hàng trước khi mua.
Nếu bạn là người thích sưu tập, loại Wayfarer làm từ acetate (phiên bản được sản xuất trước khi Ray-Ban bán cho Luxottica) có thể được tìm thấy ở các cửa hàng bán đồ vintage với mức giá giao động trong khoảng 500 đến 700 đô-la Mỹ. Lưu ý rằng phiên bản vintage này có kính thước trung bình to hơn các mẫu hiện đại, và cũng rất kén những gương mặt nhỏ.
Chọn loại Wayfarer thích hợp
The Original Ray-Ban Wayfarer
Đây là kiểu dáng cổ điển thời đại mới, nói như thế là bởi vì khác với những cặp kính mát trước năm 1990, chúng được làm từ nhựa đúc khuôn chứ không phải acetate. Bạn chỉ có thể tìm thấy những cặp Wayfarer vintage ở các cửa hàng bán đồ cũ. Và đó là những cặp kính có độ nghiêng tối đa so với mặt và đúng chuẩn phong cách của The Blue Brothers.
The New Ray-Ban Wayfarer
Với độ nghiêng tối thiểu, chiếc kính hiện đại này trông hợp thời hơn với gọng kính nhẹ và tiện lợi hơn. Với mắt kính có đường kính 55 (tuy có vẻ lớn hơn với kiểu kính cổ điển 54), nhưng kiểu dáng mới này lại nhỏ gọn hơn và ôm gọn cấu trúc mặt người đeo hơn.
State Optical Wolcott Wayfarer
Sản xuất tại Chicago, công ty này tạo nên làn sóng mới cho Hoa Kỳ với kiểu dáng độc đáo cộp mác Mỹ. Được đặt theo tên Wolcott Avenue ở Chicago, cặp kính Wayfarer kiểu nhỏ này được làm từ acetate thay vì nhựa đúc khuôn và kết hợp tròng kính của Zeiss có ưu điểm trong trẻo hơn xứng đáng với giá thành của nó.
Tom Ford Black Square Sunglasses
Phiên bản Wayfarer của nhà thiết kế Tom Ford trông bóng loáng hơn với chi tiết đính vàng và kiểu dáng trông có vẻ thời trang hơn hẳn. Nếu bạn đang tìm kiếm một cặp mắt kính tạo nên sự khác biệt, đây chính là lựa chọn thời thượng dành cho bạn.
Bamboo Wayfarers
Hãy chọn kiểu Wayfarer với phiên bản đơn giản hơn và giá thành mềm hơn với chất liệu tre lý tưởng cho một ngày thư giãn tại bãi biển.
Vintage Wayfarers
Vì sự phổ biến mạnh mẽ của kiểu kính này trong 60 năm qua, chúng ta có thể tìm thấy vô vàn phiên bản vintage của nó tại các trang mạng như Etsy, eBay, và các cửa hàng vintage nhỏ lẻ. Điểm nhận dạng rõ nhất chính là 2 chữ cái “BL” viết tắt của Bausch & Lomb được khắc tỉ mỉ trên tròng kính. Trên trang eBay, giá của chúng lên đến hơn 500 đô-la Mỹ, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng vì độ bền đáng tự hào của chúng theo năm tháng.