Ngày 1 tháng 3, nhà may House of Richard James khai trương cửa tiệm mới với thiết kế mô phỏng lại căn nhà ba tầng thời kì Georgian trên phố Clifford, nơi trước đây đã đặt tiệm may bespoke của ông. Sau dự án nâng cấp 2 triệu bảng Anh theo thiết kế của kiến trúc sư David Thomas, cửa tiệm giờ đây kết hợp dòng sản phẩm may sẵn, dịch vụ may theo đơn đặt hàng và cả một quầy bar.
Trong lúc lựa những chiếc khăn túi hay các mẫu vải, khách hàng có thể thư giãn tại quầy bar ánh sắc đồng với mặt đá cẩm thạch Carrara, nơi họ được mời thưởng thức ly cocktail nhẹ nhàng hay single malt phục hồi năng lượng. Cấu trúc của quầy bar hòa hợp với toàn cảnh lầu một, được thiết kế dựa theo motif “câu lạc bộ quý ông thời hiện đại,” với nội thất thoải mái có phong cách giữa thế kỉ 20, và các tác phẩm nghệ thuật từ những họa sĩ Anh đương đại.
“Tôi nghĩ quá trình may mặc là một sự kiện tập thể, và đó là điều mà tôi muốn thực hiện ở đây,” Richard James (người đồng sáng lập) và Sean Dixon (giám đốc điều hành) phát biểu. “Trải nghiệm đó bao gồm nhiều hơn là chỉ bước vào cửa hàng, mua một bộ suit, và ra về.”
Richard James không phải là người đầu tiên áp dụng mô hình kết hợp hai doanh nghiệp may mặc và câu lạc bộ quý ông thành một. Năm 2020, hãng Thom Sweeney đặt cửa hàng chủ chốt tại ngôi nhà bốn tầng tại phố Old Burlington, bao gồm tiệm cắt tóc ở tầng hầm, bàn bi-a ở showroom tầng trệt, và trên cùng là quán cocktail mang tên Sol’s.
Co-founder của Thom Sweeney, Thom Whiddett coi Sol’s là một bước phát triển toàn cảnh mà ông đã chứng kiến tại các cửa hàng may mặc của hãng, nơi khách hàng tụ tập trao đổi quanh những quầy bar mini. Chiếm toàn bộ diện tích tầng trên của cửa hàng, quán Sol’s là nơi các khách hàng có thể thư giãn trong không gian thiết kế gỗ sồi, điệu jazz du dương, và những ly cocktail “Martini Tuxedo” và “Mayfair 75.” Nếu có đặt từ trước, khách hàng sẽ được cung cấp bữa trưa nhẹ, và nhiều người còn gửi lại chai rượu ưa thích tại Sol’s để uống vào những lần sau.
“Nơi đây đã trở thành điểm tụ tập cho những quý ông, việc mua sắm chỉ là một phần.” Whiddett mô tả cảm nhận của ông về cửa hàng. “Họ tiêu tiền, họ mua sắm, với một cách tự nhiên, thoải mái.”
Ý tưởng quán bar Sol’s, được đặt theo tên bố vợ của người đồng sáng lập Luke Sweeney, cũng được giới thiệu tại cửa hàng New York của hãng dưới quy mô nhỏ. Đây cũng sẽ là một điểm chủ chốt trong các cửa hàng Thom Sweeney sắp mở cửa tại Los Angeles vào tháng 3 và Miami vào tháng 12 tới.
Mô hình câu lạc bộ cũng lấy được sự chú ý của những nhãn hàng lâu đời. Trong dịp mừng kỉ niệm 175 năm thành lập của Huntsman, hãng đã khai trương lại Huntsman Club – một khu vực riêng tư dành cho các khách hàng – đặt ngay trên đầu cửa tiệm tại số 11 phố Savile Row.
Không gian bên trong được thiết kế với thảm và giấy dán tường vải dạ, lấy ý tưởng từ quán rượu phong cách Đông London, với quầy bar gỗ xà cừ tay vịn đồng, và tấm bia phóng tiêu. Khu vực này hay được dùng cho sự kiện, gần đây nhất là buổi tiệc gin dành riêng cho những khách nữ, tổ chức cùng quán Donovan Bar đình đám phố Mayfair.
Một phần thành công của Cad & The Dandy hai bên bờ Đại Tây Dương phải kể đến những showroom kết hợp với nơi giao lưu. Cửa hàng may sẵn tại địa chỉ 7-8 phố Savile Row có bao gồm quán bar 20 chỗ ngồi nơi khách hàng có thể thưởng thức hương vị single malt đóng chai trực tiếp từ thùng, cung cấp riêng cho nhãn hàng này. Còn nữa, chính giữa trung tâm căn “Penthouse” tại New York – trên tầng 11 tại địa chỉ 130 phố West 57 – là một bộ ghế sofa nhung tròn 15 chỗ đặt cạnh quầy bar nơi cửa hàng phục vụ những ly cocktail như “The Cad” có chứa rye whiskey, sweet vermouth và gia vị cam đắng, hay “The Dandy,” kết hợp gin, dry vermouth và rượu bergamot.
“Trong mô hình nhà may thời xưa, thường chỉ phục vụ từng khách, việc giao tiếp giữa khách và thợ may chỉ vỏn vẹn những câu ‘Có, thưa ông,’ hay ‘Không, thưa ông,’” James Sleater – người đồng sáng lập của Cad & The Dandy – chia sẻ. “Chúng tôi muốn mọi người có thể thưởng thức toàn bộ quá trình may mặc. Hãy vào tiệm và cùng chúng tôi chạm ly cocktail, gặp gỡ các khách hàng khác, bàn tán về món đồ họ đặt, và tìm được cảm hứng cho những món đồ sau này nữa.”
Không khí câu lạc bộ của Cad & The Dandy sẽ còn được đề cao hơn nữa tại cửa hàng New York. Trong những tuần tới, hãng sẽ mở cửa không gian tầng hai với quầy bar thiết kế riêng, nơi sẽ tổ chức những sự kiện tư nhân và buổi thử nếm đặc biệt. Tuy vậy, đây không phải là cửa hàng may guy nhất tại Manhattan đã kết hợp “may đo và nếm thử.”
Một phần thành công của Cad & The Dandy hai bên bờ Đại Tây Dương phải kể đến những showroom kết hợp với nơi giao lưu.
Thức uống mạnh đã luôn là một phần không thể thiếu tại Michael Andrews Bespoke, với quầy bar dài 3m trong showroom tại SoHo, nhập rượu từ quán bar Ireland ở Boston. Ở đây, các thực khách có thể thưởng thức ly tequila hay cocktail đặc trưng từ vòi (hiện tại là Boulevardier làm bằng scotch Dalmore Port Wood Reserve).
“Người ta thường nói chúng tôi là những nhà 'anti-retail' (anti-bán lẻ), vì chúng tôi hướng đến những mối quan hệ không phải chỉ từ mặt hàng,” người sáng lập Michael Andrews cho biết. Gần đây, ông đã mở thêm cửa hàng Groom Shop cũng với mô hình xoay quanh quán bar, lần này lấy theme Art Deco, được trang trí bởi đĩa than và phim cổ điển. “Đàn ông nhiều người có thể ghét mua sắm, nhưng họ luôn thích ngồi uống rượu với bạn bè,” ông nói.
Và nếu việc thưởng thức một ly rượu cùng những người bạn đi kèm với một bộ trang phục bespoke mới thì thật là tuyệt vời!