Trong xã hội dân chủ, quyền lực của vương giả có thể đã bị hạn chế nhiều, nhưng gia đình hoàng tộc của Anh vẫn đang nắm giữ một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: chọn ra những doanh nghiệp xứng đáng được nhận Royal Warrant (Chứng Quyền Hoàng Gia).
Vào tháng 5 vừa qua, Vua Charles Đệ Tam đã công bố danh sách 145 doanh nghiệp được trao Royal Warrant kỳ này, trong đó có 7 doanh nghiệp được bổ nhiệm bởi Hoàng hậu Camilla.
Vậy chứng nhận Royal Warrant có ý nghĩa gì và sẽ có ảnh hưởng thế nào đến những thương hiệu cao cấp của Anh Quốc?
Ý nghĩa của Royal Warrant
Từ thế kỷ thứ 15, Quốc Vương Anh bắt đầu trao chứng nhận chính thức cho những doanh nghiệp đã có công sản xuất và cung cấp hàng tiêu dùng cho hoàng gia, từ những bộ bài tú lơ khơ đến động vật cảnh. Vào thế kỷ thứ 18, những doanh nghiệp này công khai sử dụng Royal Warrant trên sản phẩm như một cách quảng bá chất lượng đến người tiêu dùng. Dưới thời trị vì kéo dài 63 năm của Nữ hoàng Victoria, gần 2000 doanh nghiệp Anh đã được nhận Royal Warrant, dẫn đến sự thiết lập của Royal Warrant Holder’s Association (Hiệp hội các doanh nghiệp được trao Royal Warrant) để quản lý cách sử dụng chứng nhận này.
Theo trang web chính thức của gia đình hoàng tộc, hiện tại có đến 800 doanh nghiệp đang giữ Royal Warrant. Trong đó có cả những thương hiệu quốc tế như Burberry, và các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ như tiệm giặt là, xưởng cúc áo. Nhưng dù lớn hay nhỏ, các doanh nghiệp đều phải trải qua một quá trình dài để được nhận Royal Warrant.