Giàu nôm na là đủ ăn đủ mặc, nhưng trong sâu xa nội hàm, phần vật chất vẫn là chủ yếu. Sang tinh tế hơn, cũng vẫn là thao tác Ăn-Mặc đấy thôi, nhưng nó đã tới cái tầm “ngon và đẹp”, đẫm đầy những nét long lanh của văn hóa. Người thật sự tử tế giàu, đương nhiên phải là người sang. Có lẽ vì thế nên những người mẹ hay người vợ thị thành biết sắc sảo buôn bán thường khuyên con hoặc chồng, làm thế nào để đổi ba bát gạo hẩm thành một bát gạo tám thơm. Chỉ cắm cúi gom góp cho thật nhiều tiền nhiều của thì cuối cùng vẫn là giàu “gạo hẩm”, một thứ trọc phú còn xa mới đạt đến tầm sang trọng.
Nước Việt sau thời kỳ đổi mới, may mắn thay đã có quá nhiều người giàu. Vậy mà hơn hai chục năm rồi, số kẻ sang vẫn vô cùng hiếm. Điều này không quá ngạc nhiên, bởi cái công án “trưởng giả học làm sang” muôn đời vẫn là bi hài kịch cho mọi xã hội đang phát triển ở cả Đông và Tây. Trong các tác phẩm khét tiếng mang chủ đề này, kịch tác gia vĩ đại người Pháp là Molière đã chỉ ra vô vàn những vất vả của đám người đã có thừa tiền bỗng một hôm rùng mình muốn trở lên sang trọng. Để “sang hóa” thành quý ông quý bà, những người trót có tiền bắt buộc phải biết tự tạo ra một “gu” thẩm mỹ. Mà để “thẩm” được cái đẹp thì không gì lợi hại bằng văn chương nghệ thuật hoặc bằng những thú chơi thể thao hay giải trí cao nhã. Làm sao có thể thành nổi tinh hoa nếu suốt ngày chúi mặt vào màn hình rồi đợi tối đi xem các danh ca showbiz hò hát. Chính vì thế nên Molière đã tạo ra cả đống cơ hội cho các nhân vật trọc phú của mình. Nào là đi học đấu kiếm, nào là học đọc sách kinh điển rồi tới ngắm bảo tàng hay xem những vở nhạc kịch (opera) đỉnh cao. Nhưng sau một thời gian đầy cố gắng nỗ lực, trưởng giả vẫn loay hoay là trưởng giả.
Hình như sang trọng là điều khó học, cho dù tất cả những người dư dật đều chân thành khát khao muốn có nó. Bởi có lẽ, sang trọng không phải là “mốt” để đám đông a dua đua đòi. Nó là sự tích lũy từng trải văn hóa của mỗi độc đáo cá thể theo cách thuần thành trong trắng tự nhiên nhất. Sang trọng rất khó xuất hiện lúc người Hà Nội ùn ùn huyênh hoang theo nhau vào xem kiệt tác “Hồ Thiên Nga” chỉ diễn một đêm duy nhất. Thậm chí sự sang trọng còn giẫy đành đạch chết khi một nhóm người mang vẻ tinh hoa, ca sĩ này nhạc sĩ kia giáo sư nọ, cao đạo đứng lại tiền sảnh sau buổi diễn nhã nhặn nhỏ nhẹ nói chuyện nhưng cố để người xung quanh nghe rõ mồn một “Ồ, vở diễn cũng được đấy, có điều còn thua xa cái lần tôi xem ở Nga”. Sang trọng đôi lúc giống như lời trầm lắng tỏ tình, nó không thích ồn ào khoe khôn.
Từ điển tiếng Việt cho rằng, “sang” có hai nghĩa. Một là “có tiền tài và danh vọng, được nhiều người trong xã hội kính trọng”. Hai là “có giá trị cao và đắt tiền, trông lịch sự”. Hỡi ôi từ điển, nếu sự “sang” chỉ đơn giản như vậy thì ở ta đang ngập đầy những quý ông quý bà “mồm có gang có thép”.
Thảo nào mà ở giới showbiz Việt, có quá nhiều người nửa kín nửa hở tự tin rằng, mình chính là tinh hoa sang trọng Việt.
Nước Việt sau thời kỳ đổi mới, may mắn thay đã có quá nhiều người giàu. Vậy mà hơn hai chục năm rồi, số kẻ sang vẫn vô cùng hiếm. Điều này không quá ngạc nhiên, bởi cái công án “trưởng giả học làm sang” muôn đời vẫn là bi hài kịch cho mọi xã hội đang phát triển ở cả Đông và Tây. Trong các tác phẩm khét tiếng mang chủ đề này, kịch tác gia vĩ đại người Pháp là Molière đã chỉ ra vô vàn những vất vả của đám người đã có thừa tiền bỗng một hôm rùng mình muốn trở lên sang trọng. Để “sang hóa” thành quý ông quý bà, những người trót có tiền bắt buộc phải biết tự tạo ra một “gu” thẩm mỹ. Mà để “thẩm” được cái đẹp thì không gì lợi hại bằng văn chương nghệ thuật hoặc bằng những thú chơi thể thao hay giải trí cao nhã. Làm sao có thể thành nổi tinh hoa nếu suốt ngày chúi mặt vào màn hình rồi đợi tối đi xem các danh ca showbiz hò hát. Chính vì thế nên Molière đã tạo ra cả đống cơ hội cho các nhân vật trọc phú của mình. Nào là đi học đấu kiếm, nào là học đọc sách kinh điển rồi tới ngắm bảo tàng hay xem những vở nhạc kịch (opera) đỉnh cao. Nhưng sau một thời gian đầy cố gắng nỗ lực, trưởng giả vẫn loay hoay là trưởng giả.
Hình như sang trọng là điều khó học, cho dù tất cả những người dư dật đều chân thành khát khao muốn có nó. Bởi có lẽ, sang trọng không phải là “mốt” để đám đông a dua đua đòi. Nó là sự tích lũy từng trải văn hóa của mỗi độc đáo cá thể theo cách thuần thành trong trắng tự nhiên nhất. Sang trọng rất khó xuất hiện lúc người Hà Nội ùn ùn huyênh hoang theo nhau vào xem kiệt tác “Hồ Thiên Nga” chỉ diễn một đêm duy nhất. Thậm chí sự sang trọng còn giẫy đành đạch chết khi một nhóm người mang vẻ tinh hoa, ca sĩ này nhạc sĩ kia giáo sư nọ, cao đạo đứng lại tiền sảnh sau buổi diễn nhã nhặn nhỏ nhẹ nói chuyện nhưng cố để người xung quanh nghe rõ mồn một “Ồ, vở diễn cũng được đấy, có điều còn thua xa cái lần tôi xem ở Nga”. Sang trọng đôi lúc giống như lời trầm lắng tỏ tình, nó không thích ồn ào khoe khôn.
Từ điển tiếng Việt cho rằng, “sang” có hai nghĩa. Một là “có tiền tài và danh vọng, được nhiều người trong xã hội kính trọng”. Hai là “có giá trị cao và đắt tiền, trông lịch sự”. Hỡi ôi từ điển, nếu sự “sang” chỉ đơn giản như vậy thì ở ta đang ngập đầy những quý ông quý bà “mồm có gang có thép”.
Thảo nào mà ở giới showbiz Việt, có quá nhiều người nửa kín nửa hở tự tin rằng, mình chính là tinh hoa sang trọng Việt.