Đôi khi, số mệnh sắp đặt cho chúng ta được ngắm nhìn những gì lộng lẫy nhất thay vì sở hữu chúng.
Nghệ nhân kim hoàn Krishna Choudhary lấy ra một chiếc hộp từ trong két sắt, từ từ mở chiếc túi nhung. Một viên đá sapphire 150 carat sắc xanh thuần khiết đầy mê hoặc! Viên đá nằm gọn trong lòng bàn tay tôi. Tôi những tưởng mình đang thả hồn vào một bể bơi xanh ngắt và trong veo. Than ôi, chẳng phải bởi vẻ đẹp mê hồn, điều khiến tôi bất ngờ hơn cả chính là viên đá này không phải để bán.
“Đôi khi, số mệnh sắp đặt cho chúng ta được ngắm nhìn những gì lộng lẫy nhất thay vì sở hữu chúng,” Choudhary, chủ sở hữu cửa hàng trang sức nép mình giữa Mayfair thủ thỉ với tôi. Theo quan điểm của Ấn Độ giáo, chỉ cần cầm trên tay viên sapphire là bạn đã có thể hưởng nghiệp an lành. Dĩ nhiên, điều gì cũng có ngoại lệ!
Giá trị của trang sức không chỉ dừng lại ở việc tô điểm cho diện mạo. Vũ trụ học Ấn Độ đã chứng minh rằng đá quý chứa năng lượng và năng lực chữa lành cũng như có mối quan hệ mật thiết đến các hành tinh và những vị thần. “Mỗi viên đá đều có một sứ mệnh riêng bởi chúng được lưu truyền qua nhiều thế hệ và tượng trưng cho một ý nghĩa nhất định,” Choudhary – người xuất thân từ một gia tộc quyền quý ở “thành phố hồng” Jaipur chia sẻ. Trong hơn một thế kỷ, với tư cách là nghệ nhân kim hoàn cho các gia tộc hoàng gia tại Ấn Độ, gia đình Choudhary đã sưu tầm nhiều loại đá và trang sức quý giá. Trong đó, một số viên đá quý đã có tuổi đời từ 200 đến 300 năm và được thân phụ của anh bảo quản rất kỹ thay vì đem rao bán hoặc cắt mài, bởi ông quan niệm rằng “cần giữ vẹn nguyên câu chuyện của chúng”. Mãi đến gần đây, ông mới cho phép Choudhary sử dụng một số viên đá quý mà “nhiều người thèm khát” để Choudhary bổ sung vào bộ sưu tập đầu tiên của anh với tên gọi Santi.
Choudhary là một trong số ít các nghệ nhân kim hoàn Ấn Độ đương đại có khả năng hợp nhất cái đẹp giữa phương Đông và phương Tây. Cùng với Viren Bhagat và Bina Goenka, Choudhary là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành trang sức cao cấp. Con đường mà anh theo đuổi cũng tương tự như hướng đi mà nghệ nhân bậc thầy Jacques Cartier đã chọn vào đầu thế kỷ 20, sau những chuyến đi tới Ấn Độ – nơi ông hằng bị mê hoặc bởi nền văn hóa thị giác ngoại lai độc đáo và những viên đá quý rực rỡ đầy sắc màu. Cartier đã gầy dựng mối quan hệ với các maharaja giàu có – những người thường đến Paris với chiếc rương đựng đầy đá quý và luôn trả tiền hoa hồng cho ông cùng các nghệ nhân kim hoàn Pháp khác như lời cảm ơn cho những thiết kế trang sức nam giới tinh xảo và tỉ mỉ. Cái đẹp xứ Ấn đã đem đến nguồn cảm hứng bất tận cho các thợ kim hoàn tài ba tại châu Âu rất lâu về sau.
Tháng 6 vừa qua tại New York, một số món trang sức “nhuốm màu thời gian” của Cartier đã hiện diện trong buổi đấu giá “Maharajas & Mughal Magnificence” được tổ chức bởi Christie’s. 400 món trang sức và hiện vật Ấn Độ trong suốt chiều dài 500 năm được hiến tặng từ bộ sưu tập của vương triều Al Thani. Với doanh thu đạt được lên đến 109 triệu USD, đây được xem là một kỷ lục trong lịch sử đấu giá các tác phẩm nghệ thuật Ấn Độ hay các báu vật của đế quốc Mughal. Từ chiếc vòng cổ có đính viên kim cương Golconda tối giản nhưng xuất chúng – cổ vật đã từng thuộc về gia tộc Nizam xứ Hyderabad – được bán với giá 2,4 triệu USD cho đến chiếc vòng cổ kim cương, mặt ngọc lục bảo theo phong cách Bohemian có giá 1,9 triệu USD, tất cả đã cho thấy được nét đa dạng của những món đồ trang sức Ấn Độ tại sự kiện.
“Kết quả buổi đấu giá đã chứng minh được rằng trang sức từ lâu đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của người dân Ấn Độ khi chúng cũng quan trọng như trang phục thường ngày,” Rahul Kadakia, người đứng đầu mảng trang sức của nhà đấu giá Christie’s cho biết. “Người Ấn Độ từ xưa đến nay vẫn luôn dành tình yêu, niềm cảm kích và sự tôn trọng đặc biệt cho những món đồ trang sức mà không nền văn hoá nào sánh bằng”. Một loạt các thiết kế cũng đã làm sáng tỏ tính thẩm mỹ của người Ấn Độ: đó là sự kết hợp táo bạo mà vô cùng tinh tế giữa những viên đá được mài tròn mà không cắt giác, viên kim cương phẳng, hạt đá quý và ngọc trai. Trong đó, nổi bật nhất là ba tác phẩm kim hoàn từ Bhagat. Trong suốt hơn 20 năm, nghệ nhân chế tác trang sức đến từ Mumbai này đã kết hợp tinh tế giữa đặc trưng Ấn Độ với phong cách Art Deco để cho ra đời những món trang sức đầy nữ tính, sành điệu từ những viên đá quý hiếm. “Bhagat là người đã có công nâng tầm giá trị của nghệ thuật trang sức đương đại Ấn Độ,” Kadakia chia sẻ. “Ông sở hữu phong cách độc đáo và biết cách thể hiện chúng ngay trên tác phẩm của mình. Đó cũng là điều mà chúng tôi luôn tìm kiếm”.
Những món đồ trang sức Ấn Độ thường sử dụng vàng làm chất liệu chính với đế đính đá bằng vàng và có kích thước lớn. Song, ngay sau khi được các nhà thiết kế đương đại kết hợp cùng những viên đá Ấn Độ cổ (như đá hồng ngọc, ngọc lục bảo, ngọc bích, kim cương Golconda và ngọc trai tự nhiên), chúng như khoác lên mình một phong mạo mới.
Bina Goenka là nhà thiết kế hiện đang sinh sống tại Mumbai. Cô khéo léo áp dụng các kỹ thuật đương đại và kết hợp các họa tiết Ấn Độ để cho ra đời những món trang sức thanh lịch, chẳng hạn như đôi hoa tai dài tráng men được làm từ ruby, kết hợp cùng vàng rhodi. “Các tác phẩm của tôi nhất định phải thể hiện được nét sang trọng vốn có trong các món trang sức của Ấn Độ, đồng thời vẫn phải dễ ứng dụng vào cuộc sống hiện đại bởi giờ đây trang sức không phải là thứ nằm trong két sắt, mà là để đeo lên người,” Goneka chia sẻ.
Choudhary vừa lấy ra từ nơi lưu trữ đá quý của gia đình những viên kim cương Ấn Độ flat-cut. Đó là những viên kim cương không có ánh sáng lấp lánh điển hình và dễ gây nhầm lẫn cho ai mong chờ nhìn thấy những viên đá mài. “Một viên kim cương phẳng chẳng khác gì một bức họa,” anh nhận xét. “Bạn không thể đánh giá một bức họa chỉ vì tổng thể, chất liệu hay màu sắc của chúng. Bạn cũng không thể đánh giá viên kim cương phẳng chỉ qua trọng lượng carat, mà phải dựa vào vẻ đẹp của chúng.” Choudhary cũng sử dụng những viên đá mới cho các tác phẩm của mình, chẳng hạn như viên kim cương láng bóng có sắc lục tươi được cắt khéo léo và đặt sát cạnh hai viên ngọc lục bảo Colombia cổ xưa chạm khắc tinh xảo trong chiếc nhẫn mang sự hòa quyện giữa nét đẹp cổ điển và hiện đại.
Choudhary đang truyền nghề cho một thế hệ mới của triều đại Mogul: những gã khổng lồ tại Thung lũng Silicon, nơi anh đào tạo một vị khách có niềm đam mê di sản thiết kế và lịch sử đá quý của Ấn Độ. “Người ta đeo trang sức không chỉ để khoe một viên kim cương,” anh chia sẻ. “Họ muốn một điều gì đó ý nghĩa hơn về thiết kế, tính thẩm mỹ, về những câu chuyện đằng sau đó.” Song, ngay cả khi được truyền nghề, những gã khổng lồ công nghệ cũng khó có thể tạo ra những viên sapphire tuyệt đỉnh như gia đình Choudhary.