Ken Burn nổi danh với phong cách sử dụng cảnh quay lưu trữ và hình ảnh để “vẽ lại” lịch sử một cách chân thật và cuốn hút nhất. Năm nay, ông hợp tác với hãng dịch vụ lữ hành Tauck với vị trí một người tư vấn và “hướng dẫn viên” để chia sẻ những trải nghiệm độc đáo của bản thân về hành trình qua 3 khu vực: Washington, D.C., phía Tây Hoa Kỳ và Việt Nam. Lý giải về quyết định “lấn sân” sang một mảng hoàn toàn khác so với trước đây, nhà làm phim nhận định rằng giờ đây, du lịch được xem trọng hơn bất cứ thứ vật chất gì khác.
Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông thực hiện những chuyến đi này?
Chúng tôi nhận thấy cơ hội, rằng thông qua du lịch, có thể chia sẻ một số câu chuyện hấp dẫn mà chúng tôi đã trải qua trong quá trình làm phim. Với một bộ phim, chúng tôi chỉ giới hạn trong hình ảnh và âm thanh hai chiều. Nhưng với một hành trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi có thể đưa du khách đặt chân đến Gettysburg hay tự mình thực hiện những chuyến phiêu lưu như trong các tác phẩm của Mark Twain. Du lịch cũng là một cách truyền đạt giống như phim, nhưng bằng nhiều góc độ phong phú hơn.
Theo ông, tại sao du lịch lại trở nên quan trọng?
Mark Twain từng nói “Du lịch là kẻ thù chết người của định kiến, sự mù quáng và thiển cận”. Tôi tin rằng, hơn bao giờ hết, hiện tại chúng ta cần phải vượt qua những thứ tầm thường quá-con-người, và du lịch sẽ dẫn đường để chúng ta thực hiện được mong muốn đó. Điều quan trọng là chúng ta bước ra thế giới, gặp gỡ và giao lưu với mọi người thuộc các nền văn hóa khác nhau. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể khám phá và nắm bắt bước xoay chuyển của toàn nhân loại.
Đối với ông, lịch sử đóng vai trò như thế nào đối với du lịch?
Các sự kiện trong quá khứ góp phần định hình nên nền văn hóa của một địa điểm cụ thể: truyền thống, âm nhạc, ẩm thực – tất cả đều vang vọng âm hưởng từ lịch sử. Nếu không đi sâu tìm hiểu lịch sử, bạn sẽ không thể nào thực sự hiểu và trân trọng các giá trị hiện tại.
Ông có thể chia sẻ đôi điều về hành trình sắp tới?
Chúng tôi chọn các điểm đến dựa trên những tiêu chí có phần tương đồng với cách chọn chủ đề phim. Mỗi người đều có một góc nhìn riêng về cùng một sự vật, hiện tượng, và cả hành trình chu du đây đó của bản thân. Phải đến và trải nghiệm, bạn mới hiểu tại sao Washington, D.C. lại có ý nghĩa đặc biệt trong tâm trí người Mỹ, cuộc sống của những anh chàng cao bồi miền Viễn Tây có như trong phim ảnh không, hay người Mỹ và người Việt suy nghĩ về hậu quả của Chiến tranh Việt Nam khác nhau như thế nào.
Ông có thể bật mí một vài điểm nhấn của chuyến đi?
Tại Washington, D.C., chúng ta sẽ có một buổi tối khám phá Cơ quan Lưu trữ Quốc gia sau giờ làm việc, để được tận mắt chứng kiến và đưa ra cái nhìn riêng về Tuyên ngôn Độc lập, Đạo luật Nhân quyền và Hiến pháp. Trên hành trình khám phá miền Tây bí ẩn, du khách sẽ ghé thăm nơi diễn ra trận đánh Little Bighorn để hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra. Và tại Việt Nam, chuyến viếng thăm Địa đạo Củ Chi – “nhân chứng sống” cho tinh thần quật cường trong chiến tranh của người Việt.
Ông có thể chia sẻ đôi điều về kế hoạch cho hành trình tương lai của mình?
Chưa có gì chắc chắn cả, nhưng chúng tôi thường xem lại những bộ phim đã thực hiện để tìm kiếm cảm hứng. Ngay bây giờ, chúng tôi đang thực hiện một dự án liên quan đến các bộ phim về Ernest Hemingway và nhạc đồng quê. Cả hai đối tượng này đều có nhiều khía cạnh để khai thác và hứa hẹn tạo nên những chuyến đi đầy hứng khởi và độc đáo.