Ở cái thủa Hà Nội còn thưa xe máy, hầu như mỗi đoạn phố cổ nào cũng đều có một gánh hàng rong ăn sáng cực kỳ đông khách. Đương nhiên là nó ngon, nhưng có lẽ cái cuốn hút nhất ở nó chính là người chủ gánh. Thường đấy là một bà sắc sảo ngót nghét sáu mươi, thêm một hoặc hai cô con gái bán phụ. (Vào hồi đó chưa có thói quen dùng Ôsin). Cả mẹ cả con đều thuộc khách tới mức khó tin. Họ không bao giờ hỏi những câu xã giao chiều khách vớ vẩn “Ông ăn như hôm qua nhé”, hay “Cô vẫn thịt má đùi còn chú nước trong đúng không”. Bởi khách đã ăn ở đây cả ngàn lần, nên chỉ cần kiên nhẫn thì sẽ có một bát bốc khói thơm lừng đúng ý, cho dù khách có thể là một tay cao bồi già với “gu” ẩm thực đầy khó tính. Hoặc một chút nước béo vừa đủ, hoặc thêm mấy nhánh hành chần hay vài lát ớt tươi. Cả trăm bát, không bát nào giống bát nào. Phải sống ở thời toàn xã hội trong veo đồng phục, tất tật mọi thứ đều bao cấp giống nhau thì mới rưng rưng sâu xa cảm được cái tinh tế của bát bún sáo măng hay bát phở gà dành riêng đó. Có lẽ đây là một ví dụ mong manh sơ khai cho cái thuật ngữ mà trong hoàn cảnh nhốn nháo dư dật hôm nay đã thành thời thượng, “hàng thửa”.
Bây giờ ở ta, “hàng thửa” hay còn tối tân gọi là “bespoke”, đã hiện diện ở nhiều không gian cao cấp. Nó có thể là đắt tiền ôtô, là xa xỉ đồ nội thất. Lại có thể chỉ là điềm đạm hàng tiện dụng như túi xách, như giày dép. Thế nhưng theo giải thích vừa lăng nhăng vừa nghiêm trọng của mấy ông thợ may sành điệu ở phố Hàng Khay, Tràng Tiền thì “hàng thửa” vốn có xuất xứ từ việc may đo quần áo. Hàng thửa hoàn toàn không phải là hàng đặt trước, nó là sự tốn công hợp tác cầu kỳ giữa người làm ra nó và khách đặt. Ví như một bộ veston chẳng hạn, thoạt nhìn tưởng đơn giản, nhưng nó tỉ mỉ được đo cắt rồi dựng riêng bằng tay từng chi tiết cho vóc dáng của mỗi khách hàng. Ngoài những tiêu chuẩn cố định như chất vải quý riêng biệt, thậm chí khuy cài có hoa văn cách điệu chữ cái đầu tên khách, thì quan trọng nhất là nó phải bật ra được vẻ lịch lãm của từng người.
Một hàng thửa đúng nghĩa hoàn hảo thường luôn độc đáo phảng phất nhiều nét sáng tạo. Nó mang đậm cá tính nhiều khi sang trọng tới mức cực đoan. Nó là một nghệ phẩm “handmade” tuyệt vời. Chính vì thế mà người đặt nó, ngoài chuyện dư dật kinh tế, bắt buộc phải sở hữu một tư cách văn hóa nào đó. Nếu không rất dễ lố, vì đã thô bạo vi phạm nguyên tắc “y phục xứng kỳ đức”. Đồ “bespoke” tuyệt không có tính tập thể, bởi sự vượt thoát cái bầy đàn để chạm tới cái cao sang “quý tộc” theo nghĩa lành mạnh nhất của khái niệm này. Có phải thế chăng mà không ít khán giả tử tế đã thực sự bàng hoàng khi dự một “sô” diễn, nơi có những ngôi sao showbiz Việt trọc phú a dua nhau dùng hàng thửa. Dù trông gần trông xa, mấy “sao” này đều nhang nhác giống nửa người nửa ngợm.
Không cứ ở nghệ thuật, mà nói chung trong mọi thao tác sống, sự tự nhiên tinh tế đầy khác biệt luôn là điều hiếm quý đáng trân trọng. Ở một mức độ nhất định, “bespoke” chính là điều hiếm quý đó. Vì thế, “hàng thửa” luôn hiện diện ở mọi thời, kể cả một thời nhọc nhằn khó khăn bao cấp “đọc thơ đồng chí ngỡ thơ mình”, khi mọi dấu ấn cá nhân tưởng như bị bi tráng xóa nhòa. Nó vẫn có, cho dù chỉ mong manh ẩn hiện ở một món quà ăn sáng.
Bây giờ ở ta, “hàng thửa” hay còn tối tân gọi là “bespoke”, đã hiện diện ở nhiều không gian cao cấp. Nó có thể là đắt tiền ôtô, là xa xỉ đồ nội thất. Lại có thể chỉ là điềm đạm hàng tiện dụng như túi xách, như giày dép. Thế nhưng theo giải thích vừa lăng nhăng vừa nghiêm trọng của mấy ông thợ may sành điệu ở phố Hàng Khay, Tràng Tiền thì “hàng thửa” vốn có xuất xứ từ việc may đo quần áo. Hàng thửa hoàn toàn không phải là hàng đặt trước, nó là sự tốn công hợp tác cầu kỳ giữa người làm ra nó và khách đặt. Ví như một bộ veston chẳng hạn, thoạt nhìn tưởng đơn giản, nhưng nó tỉ mỉ được đo cắt rồi dựng riêng bằng tay từng chi tiết cho vóc dáng của mỗi khách hàng. Ngoài những tiêu chuẩn cố định như chất vải quý riêng biệt, thậm chí khuy cài có hoa văn cách điệu chữ cái đầu tên khách, thì quan trọng nhất là nó phải bật ra được vẻ lịch lãm của từng người.
Một hàng thửa đúng nghĩa hoàn hảo thường luôn độc đáo phảng phất nhiều nét sáng tạo. Nó mang đậm cá tính nhiều khi sang trọng tới mức cực đoan. Nó là một nghệ phẩm “handmade” tuyệt vời. Chính vì thế mà người đặt nó, ngoài chuyện dư dật kinh tế, bắt buộc phải sở hữu một tư cách văn hóa nào đó. Nếu không rất dễ lố, vì đã thô bạo vi phạm nguyên tắc “y phục xứng kỳ đức”. Đồ “bespoke” tuyệt không có tính tập thể, bởi sự vượt thoát cái bầy đàn để chạm tới cái cao sang “quý tộc” theo nghĩa lành mạnh nhất của khái niệm này. Có phải thế chăng mà không ít khán giả tử tế đã thực sự bàng hoàng khi dự một “sô” diễn, nơi có những ngôi sao showbiz Việt trọc phú a dua nhau dùng hàng thửa. Dù trông gần trông xa, mấy “sao” này đều nhang nhác giống nửa người nửa ngợm.
Không cứ ở nghệ thuật, mà nói chung trong mọi thao tác sống, sự tự nhiên tinh tế đầy khác biệt luôn là điều hiếm quý đáng trân trọng. Ở một mức độ nhất định, “bespoke” chính là điều hiếm quý đó. Vì thế, “hàng thửa” luôn hiện diện ở mọi thời, kể cả một thời nhọc nhằn khó khăn bao cấp “đọc thơ đồng chí ngỡ thơ mình”, khi mọi dấu ấn cá nhân tưởng như bị bi tráng xóa nhòa. Nó vẫn có, cho dù chỉ mong manh ẩn hiện ở một món quà ăn sáng.