“Đối với các thượng hiệu cao cấp, việc gia nhập ngành công nghiệp cưới hỏi đã đem đến nhiều cơ hội để mở rộng danh mục sản phẩm lẫn đối tượng khách hàng, đồng thời tạo dựng mối quan hệ gắn kết suốt đời với người tiêu dùng”, Yana Bushmeleva, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường thời trang Fashionbi (Milan), cho biết. “Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu thị trường và khách hàng địa phương trước đã”.
Chuẩn bị cho ngày trọng đại
Ngành công nghiệp cưới hỏi trên toàn thế giới ước tính đạt 300 tỉ USD. Trong khi một số cặp đôi chọn giải pháp tiết kiệm, thì không ít cô dâu chú rể sẵn sàng bỏ ra khoản tiền khổng lồ để ngày cưới của mình thật đặc biệt. Đang là đối tượng chính cần chuẩn bị cho lễ cưới, lại có trình độ học vấn và thu nhập ổn định, hơn nữa còn cập nhật thường xuyên các xu hướng mới, thế hệ millennial lại càng yêu cầu cao hơn sự kiện quan trọng này.
Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở 26 quốc gia đã góp phần đẩy mạnh thị trường cưới, khi ngành công nghiệp không còn đơn thuần phục vụ các đôi uyên ương khác giới nữa. Thông thường, các cặp vợ chồng đồng tính có khuynh hương chi tiêu nhiều hơn cho dịp này, bởi đối với họ, đây không chỉ là lễ cưới thông thường, mà còn được xem như cột mốc khẳng định quyền được thể hiện tình yêu và bản sắc như bao người khác.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của các cặp đôi đồng tính, một số thương hiệu cao cấp đã nhanh chóng cho ra đời nhiều dòng sản phẩm và các chiến dịch quảng bá dành riêng cho nhóm đối tượng này. Chưa tròn một ngày sau khi Pháp công nhận hôn nhân đồng tính, Chanel đã cho hai “cô dâu” trong bộ váy cưới lộng lẫy trình diễn kết show Xuân-Hè 2013. Trong khi đó, Tiffany & Co. chọn cặp đôi đồng tính nam làm người mẫu cho chiến dịch quảng bá nhẫn đính hôn.
Theo thống kê của Stategyr, thị trường trang phục cưới cho cô dâu ước tính sẽ đạt doanh thu 73 tỉ USD vào năm 2024. Bên cạnh những bộ sưu tập may sẵn, các thương hiệu nổi tiếng như Oscar de la Renta và Carolina Herrera còn cung cấp dịch vụ cá nhân hóa theo đơn đặt hàng. Vera Wang đang là cái tên được yêu thích hàng đầu khi từng thiết kế đồ cưới cho Kim Kardashian và Chelsea Clinton. Riêng Reem Acra lại chỉ tập trung vào những bộ váy cưới couture lộng lẫy và đắt giá.
Tuy trang phục cưới là một thị trường lớn, nhưng kết quả một cuộc khảo sát của Lyst cho thấy các cô dâu đang dần giảm số tiền họ dành cho trang phục trong lễ cưới, với chi phí trung bình nằm khoảng 1.000 USD. Họ ngày càng thiên về những chọn lựa ít truyền thống hơn, chẳng hạn như váy ngắn, jumpsuit.
Tất nhiên, một bộ cánh hoàn hảo cho ngày trọng đại chắc chắn không thể thiếu giày và trang sức. Jimmy Choo tạo nên “cơn sốt” trên mạng xã hội khi thực hiện chiến dịch #IdoInChoo nhằm kêu gọi các cô dâu chia sẻ hình ảnh kết hôn cùng đôi giày của mình. Stuart Weitzman cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi trình làng bộ sưu tập trang sức cưới với pha lê Swarovski.
Nhiều món trang sức giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong lễ đính hôn và đám cưới của nhiều cặp đôi nhờ hiệu quả từ hoạt động tiếp thị. Các chiến dịch của Harry Winston và Bulgari đều dựa trên mô-típ kể câu chuyện tình yêu thông qua vật đính ước là nhẫn, vòng tay hay vòng cổ. Cartier hiện đang tập trung quảng bá cho các dòng nhẫn đính hôn, khuyến khích khách hàng chọn nhẫn kim cương – tượng trưng cho tình yêu vĩnh cữu – để cầu hôn.
Chiến dịch Bulgari Bridal – Câu trả lời duy nhất là “Có”
“Giờ đây, nhiều đám cưới bắt đầu từ việc tìm kiếm trên Internet những ý tưởng về trang phục, cảm hứng trang trí và mọi thứ khác”, Bushmeleva nhận định. “Tiếp thị theo hướng kể chuyện có thể là giải pháp tốt nhất để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Thậm chí khi chưa có bạn đời, không ít anh chàng/cô nàng cũng đã định hình và lập kế hoạch cho đám cưới trong mơ của họ”.
Lễ cưới trong thời đại toàn cầu hóa
Mỗi quốc gia, nền văn hóa lại có một tập tục cưới khác nhau, và nhiều cô dâu chú rễ sẽ khoác lên mình bộ trang phục truyền thống giống như thế hệ cha ông. Chẳng hạn như, cô dâu Trung Quốc sẽ mặc một chiếc váy đỏ kèm mạng che mặt, còn với cô dâu Ấn Độ là Sari – chiếc khăn dài từ 4 đến 9 mét được quấn quanh người… Dù vậy, ngày nay, nhiều cặp uyên ương thích thay đổi linh hoạt nhiều kiểu váy áo để phù hợp với từng thời điểm, như lúc làm lễ trước tổ tiên sẽ chọn trang phục truyền thống, nhưng khi vào tiệc đãi bạn bè thì thay bằng bộ complê và váy cưới hiện đại.
Như vậy, với một thị trường thời trang ngày càng toàn cầu hóa, liệu các thương hiệu cao cấp có nên cố gắng điều chỉnh để phù hợp với những phong cách truyền thống này?
“Thế hệ trẻ không vội vã kết hôn và có quan điểm toàn cầu về trang phục cưới, vì vậy số lượng cặp vợ chồng chọn những bộ cánh truyền thống phù hợp với văn hóa địa phương đang giảm dần qua từng năm”, Bushmeleva chia sẻ. “Những cặp đôi nào trân trọng các giá trị cổ truyền có lẽ sẽ chọn những thương hiệu hoặc nhà thiết kế nội địa. Thay vì quá tập trung vào váy áo, các nhãn hàng quốc tế có thể tiếp cận khách hàng bằng những dòng sản phẩm đặc biệt về phụ kiện và giày dép, ví dụ như Cartier, Chaumet và Bulgari đều đã giới thiệu bộ sưu tập trang sức dành riêng cho thị trường Trung Đông”.