Xe điện và môi trường đôi khi chỉ là câu chuyện “thêu dệt” từ nhiều phía.
Lâu nay, chúng ta vẫn tin rằng xe điện thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, không ít chuyên gia trong ngành xe cộ lại đưa ra quan điểm ngược lại. Vài năm trước, một cố vấn cấp cao về xe cộ cho chính phủ Đức thậm chí còn đưa ra nhận định: Về mặt môi trường, xe điện thuộc diện “hại nhiều hơn lợi”.
Tuy nhiên, trong thời đại kim tiền, đa số quan điểm thường được định hình bằng những đồng đô sắc lẹm. Điều này càng thể hiện rõ trong mảng xe điện cùng thứ tôn giáo đang được gầy dựng xung quanh. Thử hình dung, nếu một ai đó có phát kiến để cải thiện môi trường mà không cần sử dụng nguồn điện hay các khối pin như hiện nay, liệu các tập đoàn có sẵn sàng hủy bỏ các kế hoạch sản xuất tiêu tốn hàng tỉ đô của mình hay chăng? Điều này là không tưởng. Thay vào đó, người thông thái kia biết đâu sẽ nhận được một khoản tiền kếch xù để bán đứt ý tưởng của mình. Điểm đến của nó nằm ngay trong các sọt rác. Điều này chưa ai chứng thực nhưng không hẳn là không có trong thời đại ngày nay.
Nếu được hỏi liệu xe điện có thân thiện hơn xe đốt trong, phần đông sẽ trà lời là “Có”. Lý do nằm ở cơ chế tiếp nhận thông tin tự nhiên của não bộ. Cơ chế này vừa phức tạp, vừa “dễ dãi” đến mức khó tin. Đó là lý do con người dễ dàng bị thao túng bởi các luồng thông tin theo ý muốn của người khác. Thử hỏi một giám đốc hãng xe về chuyện nên mua xe điện hay không. Câu trả lời sẽ là “Có”. Đi kèm là một bài học về bảo vệ môi trường, bảo vệ con em chúng ta. Tuy nhiên, nếu cho họ uống loại “thuốc nói thật”, câu trả lời biết đâu sẽ khác. Điều này cũng dễ hiểu khi mà các hãng xe đã đầu tư tiền núi vào mảng xe điện. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng cố công thúc đẩy quá trình điện hóa xe cộ theo xu thế toàn cầu.
Câu hỏi lớn nhất ở đây là: Nguồn điện được lấy từ đâu? Dĩ nhiên, các hãng xe và đại lý xe cộ sẽ né tránh chuyện này và lái người mua sang chuyện khí thải, chuyện bảo vệ môi trường. Trên thực tế, bạn cần nguồn điện để sạc và vận hành xe điện. Tuy nhiên, để tạo ra điện, chúng ta cần sử dụng các nhiên liệu hóa thạch. Ngoại trừ một số nước có thể sản xuất điện hoàn toàn theo cách tự nhiên như Anh quốc, việc mua xe điện để bảo vệ môi trường chỉ thêm phí tiền.
Ngoài ra, bạn cũng cần xem xét quy trình sản xuất xe điện với việc sử dụng các loại quặng như cô-ban, lithium hay nikel. Về bản chất, việc khai thác chúng là hành vi tàn phá môi trường. Chưa kể, những nước như Công-gô còn bị lên án vì sử dụng lao động trẻ em trong khai thác quặng. Ngoài ra, có một câu hỏi lâu nay chưa có lời đáp: Pin xe điện sẽ được xử lý thế nào sau khi hết hạn sử dụng? Dù chôn lấp hay tiêu hủy, tác động đến môi trường đều rất khó lường, nếu không muốn nói là vô cùng độc hại. Chí ít, các hãng xe phải có giải pháp khả thi cho vấn đề này trước khi tính chuyện xa hơn.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia không muốn thừa nhận những vấn đề nêu trên. Họ cần người dân chi tiêu để tạo ra tiền thuế và làm giàu cho ngân sách. Điều này lý giải vì sao nhiều nước đã vội vã đưa ra lộ trình cấm tiêu thụ xe đốt trong trong vòng 10 năm tới, tiêu biểu là Hoa Kỳ và châu Âu. Những kế hoạch dài hơi cùng nguồn ngân sách cho hạ tầng xe điện cũng đã được xem xét một cách kỹ lưỡng. Các hoạt động truyền thông rầm rộ cũng được tiến hành đều đặn hòng điểm tô cho bức tranh đẹp đẽ về dòng xe thân thiện môi trường. Trong nhiều năm gần đây, các thương hiệu xe cộ gần như không tiếc tiền cho các kế hoạch điện hóa trước sự bành trướng của vài “ông lớn” như Tesla hay Polestar. Tuy nhiên, nếu là người tỉnh táo, bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi mua xe điện để thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.
(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 8 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Sport Ultimate Luxury”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây.)
Vô số những tạo tác trang sức độc đáo cùng các kỳ quan cơ khí ấn tượng sẽ có mặt tại “UltraLuxe 2022” – Triển lãm hàng xa xỉ quy mô nhất châu Á sắp diễn ra tại Singapore. Click vào banner để biết thêm thông tin chi tiết!